Trần Thế Trung - Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia 2019” và những giọt nước mắt hạnh phúc.
Mở ra những chân trời
Trở thành nhà vô địch của “Đường lên đỉnh Olympia” năm nay, trên đài vinh quang, Trần Thế Trung bật khóc: “Chị ơi, cuối cùng Trung cũng đã được đứng trên sân khấu của trận chung kết năm thứ 19, đó là ước mơ mà chị từng nói với Trung ngày xưa. Cảm ơn chị luôn truyền cảm hứng cho Trung”.
Với Quán quân năm nay, tất cả đều xúc động và hạnh phúc khi chia sẻ cảm xúc đầu tiên sau khi chính thức giành chức Quán quân Trung đã dành cho chị gái. Người chị thân thiết không may qua đời cách đây hơn 3 năm, khi em đang là học sinh lớp 9. Ở phía dưới, bố mẹ em cũng ôm nhau khóc.
Cũng như những người đi trước khác, Thế Trung khẳng định, du học xong nhất định em sẽ về nước. Thế nhưng, trên thực tế, đã có 15/17 Quán quân đã học xong và ở lại. Hoặc đã trở về nhưng không tìm được môi trường làm việc phù hợp, họ lại trở lại nơi họ đã gắn bó ở tuổi 20 với những năm tháng miệt mài học tập và tỏa sáng, khẳng định tài năng của mình xứng đáng với học bổng mà họ đã được trao.
“Đường lên đỉnh Olympia” là gameshow dài hơi nhất của VTV khi đã phát sóng năm thứ 19. Mặc dù 52 cuộc thi tuần, tháng, quý không lớn, song trận chung kết năm vẫn luôn có sức hút, kéo theo sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Bởi trong số 144 thí sinh dự thi mỗi năm, chỉ có nhà vô địch nhận phần thưởng gồm 35.000 USD từ nhà tài trợ để phục vụ cho việc du học (nơi học do thí sinh lựa chọn) và học bổng 100% tại ĐH Swinburne (Australia) trong 4 năm. Nếu thí sinh không đi du học, sẽ không được nhận 35.000 USD. Người về nhì được trao 20 triệu đồng tiền thưởng và học bổng 50% tại ĐH Swinburne nếu tới đây học.
Theo đó, từ năm thứ nhất đến năm thứ 5, Quán quân chỉ nhận khoản học bổng 35.000 USD. Từ năm thứ 6, ĐH Swinburne chú ý tới Olympia và cấp học bổng toàn phần cho người chiến thắng trong 4 năm. Và 13 năm qua, ngôi trường này vẫn là nhà tài trợ bền bỉ cho chương trình.
Thực tế, để nhận được học bổng phải là những thí sinh nào có đủ kiến thức, phản ứng nhanh, thêm may mắn sẽ thắng cuộc và nhận được phần thưởng xứng đáng. Sau đó, đường đi cho tương lai đều do học sinh đó tự quyết định, chương trình không can thiệp.
Hơn nữa, phần thưởng dành cho nhà vô địch do đơn vị tư nhân tài trợ, không phải Bộ GD-ĐT. Bởi vậy, thí sinh có quyền tự do chọn lựa nơi mình cảm thấy phù hợp để sống và làm việc.
Nếu có điều kiện bạn có từ chối?
Và trong số 17 thí sinh đã học xong, có 2 người trở về là Lương Phương Thảo (Quán quân năm thứ 3) sau khi tốt nghiệp thạc sỹ, Thảo về nước làm việc cho một công ty quảng cáo lớn tại TP.HCM. Cùng với đó là Lê Viết Hà (Quán quân năm thứ 7) đã về Việt Nam làm chuyên viên tư vấn cấp cao của một công ty lớn từ tháng 12/2017. Trước đó, Viết Hà tốt nghiệp hạng xuất sắc ngành Công nghệ Robot và Khoa học Máy tính tại ĐH Swinburne. Anh học lên thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Deakin, Australia.
Các Quán quân còn lại hầu hết đã ổn định ở Australia như Trần Ngọc Minh (Quán quân năm thứ 1) làm việc cho một công ty mạng di động hàng đầu ở xứ sở chuột túi. Phan Mạnh Tân (Quán quân năm thứ 2) làm kiến trúc sư phần mềm ở Tập đoàn IBM, Đỗ Lâm Hoàng (Quán quân năm thứ 5) mở công ty riêng về IT vào năm 2015, Lê Vũ Hoàng (Quán quân năm thứ 6) theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Phan Minh Đức (Quán quân năm thứ 10, hiện học tiến sĩ ngành Kinh tế tại ĐH Swinburne). Minh từng chia sẻ, trong thế giới phẳng hiện nay, về nước cống hiến hay tiếp tục xây dựng sự nghiệp ở nước ngoài đều là con đường đóng góp cho đất nước. Bởi lẽ, khi được giao lưu với những người giỏi, làm việc trong môi trường tiên tiến hơn thì kiến thức, ý tưởng thu được chắc chắn sẽ có giá trị với quê hương.
Còn Nguyễn Thành Vinh, Á quân Olympia năm thứ nhất thẳng thắn trả lời với báo chí rằng, Vinh từng có ý định trở về nước sau khi học xong, nhưng không có cơ hội rõ ràng nên chọn định cư ở nước ngoài. Tương tự, Hồ Ngọc Hân (Quán quân năm thứ 9) từng về Việt Nam để làm việc. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, Hân quay lại Australia học tiến sĩ.
Vương Thiện Huy, thí sinh Olympia năm 12 cũng chọn định cư ở Mỹ và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Vài năm trước đây, sau khi thông tin Vương Thiện Huy vào NASA làm việc xuất hiện trên truyền thông, Huy cho biết, bên cạnh những lời chúc mừng của thầy cô, bạn bè thì một số người cũng bày tỏ suy nghĩ tiêu cực rằng việc đi du học, sau đó định cư ở nước ngoài là “chảy máu chất xám”, “Olympia đào tạo nhân tài cho Australia, Mỹ”.
Thực tế, để có thể phát huy tài năng và tiến gần đến ước mơ bay vào vũ trụ, lựa chọn gắn bó với nước Mỹ, với NASA của Huy là dễ hiểu. Vương Thiện Huy và nhiều cựu thí sinh Olympia có đồng quan điểm rằng không phải cứ du học xong về nước mới là cống hiến.
Có thể nói, Quán quân Olympia được nhận một suất học bổng 35.000 USD, một khoản tiền lớn mà không phải em nào học giỏi cũng có thể sở hữu để thực hiện ước mơ của mình. Nhưng để đào tạo được một người có tài tới mức các quốc gia khác phải ngưỡng mộ thì đó lại chỉ là một khoản rất nhỏ trước mắt. Khối óc, tài năng của các em mới là gia tài khổng lồ mà bất kỳ người khổng lồ nào trên thế giới cũng muốn có được.
Trong khi với chương trình đào tạo theo ngân sách, đã có những người sẵn sàng bỏ tiền nộp phạt vì sau khi sử dụng học bổng của Nhà nước du học nước ngoài rồi không trở về làm việc như cam kết ban đầu.
Hiện nay có một thực tế ai cũng có thể thấy là, nhiều khi quan hệ thân hữu trong việc tuyển dụng, xử lý công việc đã đẩy lùi mọi giá trị đích thực. Cơ chế ấy đã khiến nhiều người có tài, có năng lực không muốn ở lại cơ quan nhà nước để cống hiến, làm việc bởi họ không nhìn thấy cơ hội của mình hoặc môi trường làm việc không phù hợp.
Chưa kể, với những cái đầu tài năng, môi trường làm việc mà ở đó tất cả cứ “bình bình” trôi qua, nếu có ai đó cấp tiến, muốn bứt phá thì lập tức bị “giật” trở lại. Nhiều người sau bao năm gắn bó với các cơ quan nhà nước đã bỏ ra ngoài làm việc cho tư nhân, doanh nghiệp FDI hay các tổ chức nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ… Tại đây, họ lại là những hạt nhân quan trọng và nhiều khi được trọng dụng thành cố vấn cao cấp.
Từ số phận của các Quán quân có thể thấy rằng đi hay về nhiều khi không phải vì tiền mà phải làm ở nơi nào mình phát huy được hết khả năng cống hiến cho mọi người. Về mà chỉ ngồi bàn giấy làm công việc ai cũng làm được, 30 năm sau nghỉ hưu như bao người khác thì uổng phí tài năng?.
Trong khi nhiều gia đình có điều kiện vẫn đang trong “trào lưu” nhất định phải cho con đi du học tự túc hay tìm kiếm học bổng thì việc các em bền bỉ giành được chiến thắng trên đỉnh vinh quang của sân chơi này, các em có cơ hội phát huy hết tài năng của mình, dù sống ở nơi nào trên thế giới cũng là cống hiến. Thậm chí có người đặt câu hỏi: Nếu là bạn, có cơ hội bạn từ chối không?.