Việc các địa phương yêu cầu cách ly người đến từ Hà Nội là không đúng
Kinhte&Xahoi
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, những người sống ở cùng khu phố với bệnh nhân nhưng không tiếp xúc, không có nguy cơ nhiễm bệnh thì không được coi họ là người đến từ vùng dịch.
Khu vực cách ly phòng dịch Covid-19 tại phường Trúc Bạch (Ba Đình, Hà Nội)
Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng coi người đến từ hoặc đi qua Hà Nội là người ở vùng dịch Covid-19 và yêu cầu cách ly tại nhà, theo dõi y tế.
Trả lời báo chí về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khẳng định, điều này là không đúng.
Theo ông Phu, ngay trên địa bàn Hà Nội, số ca mắc Covid-19 chỉ xảy ra ở một số địa điểm nhất định. Virus gây bệnh Covid-19 chỉ lây khi tiếp xúc gần, hoặc tiếp xúc bề mặt có virus do người mắc bệnh thải ra.
Để xác định một vùng dịch phải làm rõ được những người lây nhiễm và yếu tố khả năng lây nhiễm. Chỉ khi nào không xác định được ca bệnh này ở đâu mới đặt ra vấn đề khoanh vùng lớn hơn.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, việc cách ly tại nhà hay cách ly cộng đồng (khoanh vùng một cộng đồng để cách ly) là rất quan trọng trong phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, quyết định cách ly phải dựa trên bằng chứng khoa học, cụ thể là phải dựa trên điều tra dịch tễ của cơ quan chuyên môn.
“Vì vậy, cần xác định lây nhiễm đến đâu, tổ chức cách ly, khoanh vùng đến đó. Trong quá trình cách ly, nếu xác định dịch không lây lan đến mức độ phải nới rộng thì có thể rút gọn phạm vi cách ly” – ông Phu cho biết.
Phân tích rõ hơn, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, những người sống ở cùng khu phố với bệnh nhân nhưng không tiếp xúc, không có nguy cơ nhiễm bệnh, đã thực hiện các biện pháp phòng hộ vệ sinh thì không được coi đó là người đến từ vùng dịch.