Việc hiếu, hỷ trong mùa dịch: Cư xử văn minh, góp sức chống dịch

08/04/2020 15:42

Kinhte&Xahoi Hiếu, hỷ là việc cả đời người. Thế nhưng, trong thời gian dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp hiện nay, nhiều cá nhân, gia đình đã “mình vì mọi người” khi quyết định tổ chức đám tang lặng lẽ hay hoãn đám cưới nhằm hạn chế tiếp xúc, tránh làm dịch lây lan. Việc làm tốt đẹp đó đã tạo sự lan tỏa, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.

Đoàn xe đón dâu phản cảm tại Hà Tĩnh

Uyên ương khắp tỉnh, thành cùng hoãn cưới

Mùa xuân, mùa hạnh phúc uyên ương. Vậy nhưng, giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19, nhiều cặp đôi đã hy sinh hạnh phúc, niềm vui riêng để hoãn đám cưới, hoặc tổ chức cưới giản dị, quy mô nhỏ (vài người trong nội tộc). 

Chị Quách Thị Thu Trang (30 tuổi, trú tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, Kon Tum) đã dùng nhiều cách khác nhau để thông báo cho gần 800 khách về việc hoãn tổ chức lễ cưới của mình vào giữa tháng 3. Chị đã đăng tải lên mạng xã hội một thông tin hoãn đám cưới kèm lời xin lỗi.

Lời thông báo ấy đã thu hút hàng trăm lượt share, like. Hàng trăm bình luận chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Nhiều người đã có bình luận khen ngợi hành động đẹp của cô dâu và chú rể. 

Chị Thu Trang kể, cách đây nửa tháng, họ hàng của 2 bên đều ở ngoài miền Bắc đang trên xe vào dự đám cưới nhưng gia đình chị cũng đành gọi cáo lỗi và đề nghị mọi người bắt xe quay ngược về. Những người bạn của cô dâu, chú rể trong TP HCM sau khi nhận thông báo cũng hủy luôn chuyến xe về Kon Tum ăn cưới. Theo chị, việc tổ chức đám cưới sau khi hết dịch bệnh thì niềm vui sẽ được nhân đôi, nhân ba.

Lại có cặp đôi thay vì tổ chức lễ cưới hoành tráng, chỉ tổ chức 3 mâm cơm cúng tổ tiên và chia vui cùng bố mẹ, anh chị em đôi bên. Anh Hoàng Anh, 28 tuổi (Đông Anh, Hà Nội) đã đặt 50 mâm cỗ tại nhà hàng có tiếng ở Hà Nội. Ngày cưới đến gần mà dịch bệnh ngày càng căng thẳng nên anh đã bàn với vợ sắp cưới chỉ tổ chức đám cưới gọn nhẹ.

Dù mất 20 triệu tiền đặt cọc nhưng vợ chồng anh vẫn vui vì cảm thấy mình đã thực hiện tốt trách nhiệm, góp phần nhỏ bé vào công tác phòng chống dịch. Anh chị tổ chức lễ cưới nho nhỏ, đầy đủ các nghi lễ cưới hỏi với hơn 10 người thân hai bên tham dự. Thay vì đưa đón bằng ô tô, anh đón chị về nhà mình bằng chiếc xe máy dân dã đầy tình cảm. 

Phong trào cưới văn minh lồng ghép phòng, chống dịch bệnh đã được nhiều địa phương tích cực hưởng ứng với những cách làm sáng tạo, cùng với đó là sự động viên, khích lệ kịp thời của chính quyền địa phương.

Ông Đặng Quốc Vũ - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết, thực hiện cuộc vận động “3 không, 4 có” trong phòng chống dịch Covid-19 do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phát động, từ ngày 10/3 đến nay, các cấp Đoàn trên địa bàn toàn tỉnh đã vận động được 20 gia đình đồng ý hoãn cưới cho con và 121 gia đình thống nhất tổ chức cưới hỏi với quy mô gọn nhẹ, thành phần chủ yếu là nội bộ gia đình, họ tộc.

Trong thời gian một tuần, từ ngày 6/3-14/3, trên địa bàn TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) có tới 30 gia đình báo hoãn đám cưới hoặc thu nhỏ quy mô tổ chức. Ông Phan Văn Năm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Lào Cai khẳng định: “Rất nhiều gia đình trên địa bàn đã tình nguyện hoãn đám cưới, chung tay chống dịch bệnh. Về cơ bản, người dân rất đồng tình”.

Tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, từ ngày 16-20/3, đã có 35 gia đình được khen thưởng do chủ động hoãn tiệc cưới hoặc chuyển mô hình từ tiệc cưới sang hình thức báo hỷ. 

Cô dâu Hoa Lan, 27 tuổi cho hay: “Đám cưới chỉ có một lần, tôi cũng muốn tổ chức mời thật nhiều họ hàng, bạn bè đến chung vui. Nhưng để tránh dịch bệnh, tôi và ông xã quyết định làm 2 mâm cúng gia tiên và chỉ có họ hàng nội tộc đại diện tới chứng kiến và chung vui. Tuy đám cưới giản đơn nhưng chúng tôi thấy lòng nhẹ nhàng và ấm áp”.


 Nhiều bạn trẻ hoãn cưới

Có thể thấy, việc thực hiện cưới văn minh để chung tay đẩy lùi dịch bệnh  là hành động hết sức thiết thực, góp phần chung tay chiến thắng “giặc Covid-19” và tạo đà cho nếp sống văn minh trong việc cưới lan tỏa. 

Những suy nghĩ trước đây cho rằng “mâm cao cỗ đầy” mới làm nên một đám cưới đáng nhớ đã lỗi thời, thậm chí trở thành gánh nặng của gia đình và cộng đồng. Những đám cưới giản dị, an toàn, lo lắng và yêu thương nhau mới thực sự là những giá trị làm nên hạnh phúc.

Tiễn biệt lặng lẽ trong mùa dịch

Tháng 3 chứng kiến sự ra đi của những nghệ sĩ tên tuổi như danh ca Thái Thanh, nhạc sĩ Phong Nhã, đạo diễn Nguyễn Việt Tuấn… -  những người có nhiều cống hiến cho nghệ thuật, với nhiều huy chương, danh hiệu Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật…

Chắc chắn lễ tiễn biệt của họ sẽ nhận được sự viếng thăm của rất nhiều cơ quan, đoàn thể và những người hâm mộ. Thế nhưng, khi họ ra đi trong mùa dịch bệnh, gia đình các nghệ sĩ đều chọn những cách tiễn biệt lặng lẽ.

Trên nền nhạc ca khúc “Nghìn trùng xa cách”, người thân nhất của gia đình danh ca Thái Thanh đã tới tiễn đưa bà về nơi chín suối. Đám tang nữ danh ca cũng được livestream và rất nhiều lời chia buồn của các nghệ sĩ đã được gửi tới bằng hình thức quay video. Khán giả xem livestream có thể gặp lại các gương mặt: Nghệ sĩ Kim Tước, diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, nhạc sĩ Từ Công Phụng, nghệ sĩ Châu Hà… với những kỷ niệm riêng với danh ca Thái Thanh. 

Nữ ca sĩ Ý Lan chia sẻ: “Có bao giờ chúng ta nghĩ sẽ có một ngày dự một đám tang vắng lặng thế này không? Vậy mà tang lễ của mẹ chúng tôi, một danh ca, một tiếng hát vượt thời gian đã rất lặng lẽ. Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn mẹ Thái Thanh sẽ rất hạnh phúc vì chúng tôi không đưa tiễn mẹ một cách cô đơn. Mẹ tôi không đơn côi ra đi, mà có biết bao triệu người Việt Nam ở trên thế giới đang cùng chúng tôi đưa tiễn mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi cảm tạ công chúng đã quan tâm đến chúng tôi”. 

Trước đó, trong cáo phó, gia đình nữ danh ca Thái Thanh ghi rõ: “Vì tình trạng nguy khẩn Covid-19 hiện nay, thay cho sự tham dự chia buồn, an táng và phúng viếng, xin tất cả những tâm hồn yêu thương tiếng hát vượt thời gian Thái Thanh hãy cùng gửi lời cầu nguyện cho thân mẫu của chúng tôi được an nghỉ trong yên bình”.


  Lặng lẽ đám tang danh ca Thái Thanh

Gia đình nhạc sĩ Phong Nhã hay gia đình đạo diễn ca nhạc Nguyễn Việt Tuấn cũng nén nỗi đau tuyên bố chỉ làm đám tang nhỏ gọn, đảm bảo sự an toàn sức khỏe người tới viếng.

Đạo diễn Việt Tú – con trai đạo diễn Nguyễn Việt Tuấn viết đôi dòng trên trang cá nhân: “Đầu tiên, vì hoàn cảnh đặc biệt, dịch bệnh và bất ngờ nên chỉ có thể nói vô cùng biết ơn tất cả bạn bè của bố mẹ tôi, bạn bè của vợ chồng tôi, vợ chồng em tôi, gia đình tôi... đã gửi lời chia buồn từ sáng đến giờ mà chúng tôi trong lúc bối rối này không thể hồi đáp.

Nhưng xin mọi người hãy ở tại nhà, giữ hình ảnh của bố tôi trong ký ức. Khi có dịp, gia đình tôi sẽ xin tổ chức một buổi lễ cho bố, để mời mọi người cùng gặp lại ông vào một thời điểm thích hợp. Chắc chắn là như vậy. Với tất cả tấm lòng biết ơn vô hạn, xin gửi tới tất cả”.

Tối 28/3/2020, diễn viên Mai Phương đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng sau 2 năm chiến đấu với bệnh ung thư phổi. Ra đi giữa lúc đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp nên lễ tang của Mai Phương cũng được gia đình tổ chức đơn giản, hạn chế tụ tập đông người. Lễ tang cố diễn viên diễn ra trong kín đáo, lặng lẽ, túc trực bên linh cữu cố nghệ sĩ là người thân và số ít bạn bè, đồng nghiệp. 

Người Việt có quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”. Đặc biệt, với sự ra đi của những người nghệ sĩ thì ngoài những người thân, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp còn có rất nhiều khán giả yêu mến muốn tới tiễn đưa lần cuối.

Thế nhưng, vì lo lắng sức khỏe cộng đồng, các gia đình của các nghệ sĩ đã chọn cách tổ chức tang lễ giản đơn. Có thể nói trong tình cảnh cả dân tộc đang lo chung một nỗi lo dịch bệnh, với cách ứng xử văn minh như vậy, các nghệ sĩ ở giây phút cuối đời vẫn hoàn thành trách nhiệm với cộng đồng, như cả cuộc đời họ đã từng dâng hiến cho khán giả. 

Nâng cao vai trò của cộng đồng, gia đình

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 3/4/2020, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có văn bản gửi Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc nâng cao vai trò của cộng đồng, gia đình trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ VH-TT&DL đề nghị các sở triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, dòng họ trong việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch.

Về thực hiện nếp sống văn minh, đối với việc cưới, Bộ VH-TT& DL đề nghị các địa phương vận động, hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân cân nhắc lùi thời gian tổ chức việc cưới vào thời điểm phù hợp khi đã công bố hết dịch; khuyến khích hình thức báo hỉ.

Đối với việc tang, vận động không làm cỗ mời khách trong ngày tang lễ và những ngày tuần tiết; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Thực hiện nghi lễ tảo mộ trong tiết Thanh minh không tập trung đông người, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét giữa người với người. Vận động các gia đình, dòng họ không tổ chức liên hoan, gặp mặt và các hình thức tập trung đông người khác trong thời gian có dịch.


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thêm phát hiện quan trọng về Hoàng thành

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, phụ trách cuộc khai quật thăm dò khu vực điện Kính Thiên năm 2019 nhận định, các nhà khoa học thu được nhiều phát hiện mới, quan trọng, góp phần tái hiện khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/viec-hieu-hy-trong-mua-dich-cu-xu-van-minh-gop-suc-chong-dich-d121419.html