Việt Nam đi đúng hướng trong ứng phó đại dịch Covid-19

20/08/2021 07:53

Kinhte&Xahoi Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá đợt dịch thứ 4 rất phức tạp với tốc độ lây nhiễm mạnh mẽ của biến thể Delta nhưng Việt Nam đang “đi đúng hướng” trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

Nhiệm vụ lớn với nhiều thử thách

 Theo ông Kidong Park, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ chóng mặt ở nhiều khu vực trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đang phải đối mặt với sự gia tăng các ca bệnh mới, bao gồm cả các nước láng giềng gần gũi ở Đông Nam Á.

“Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh phức tạp, chúng ta cần có nhiều thời gian và nguồn lực để kiểm soát dịch bệnh. Đối với Việt Nam nói chung và ngành Y tế Việt Nam nói riêng thì nhiệm vụ phía trước là rất lớn với nhiều thử thách. Nhìn lại những gì Việt Nam đã và đang làm, tôi thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Việt Nam đã làm rất tốt việc xây dựng kế hoạch ứng phó quốc gia sớm đối với dịch bệnh Covid-19 ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch. Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động lên các kịch bản khác nhau cho những tình huống khẩn cấp, từ đó huy động nguồn lực cần thiết. Việc này đã giúp Chính phủ Việt Nam đi trước trong việc hoạch định chiến lược để ứng phó với đại dịch”, ông Kidong Park nhấn mạnh.

Xét nghiệm Covid-19 diện rộng được Việt Nam triển khai nhanh chóng (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, theo đại diện của WHO, Việt Nam cũng đã làm rất tốt công tác truyền thông. Người dân được thông tin kịp thời và đồng lòng, hợp tác với các chính sách do Chính phủ Việt Nam đưa ra. Đây là yếu tố kiểm soát dịch bệnh rất quan trọng.

Tuy nhiên, đợt bùng phát lần này rất phức tạp, nhiều thách thức nên đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn, kiên trì, đoàn kết, đồng lòng. Việc kiểm soát dịch bệnh không chỉ là vai trò của Chính phủ và hệ thống y tế Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Do đó, người dân cùng chung tay, chung sức, đồng lòng, Việt Nam hoàn toàn có thể một lần nữa chiến thắng đại dịch Covid-19.

Theo bác sĩ Eric Dziuban, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam thì nước ta cũng đã triển khai các chiến lược phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả và đúng đắn theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn tiến dịch trong nước và trên thế giới. Trong hơn một năm qua, Việt Nam đã giành được sự ngợi khen trên thế giới và hoàn toàn xứng đáng nhờ chiến lược khống chế dịch Covid-19 rất hiệu quả.

Hiện nay, nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm tăng rất mạnh, phần lớn do biến thể Delta gây ra thì Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng những biện pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn.

Trước mắt, Việt Nam triển khai những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây nhiễm của virus trong cộng đồng. Chẳng hạn như ở TP HCM, việc cách ly phong tỏa không thể đưa số ca mắc mới quay trở về số 0 như ban đầu nhưng ít nhất có thể làm chậm tốc độ gia tăng các ca mắc mới. Điều này giúp bảo vệ cộng đồng và duy trì sức chống chịu của hệ thống y tế.

Ông Dziuban chia sẻ: “Các biện pháp tương tự cũng đang được tiến hành ở Hà Nội hay một số tỉnh thành khác theo chiến lược nhằm đưa số ca mắc mới trở về gần mức số 0. Những chiến lược đơn giản vẫn được áp dụng như 5K, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội… Trước mắt, đây là chiến lược cần được tận dụng cho tới khi tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đạt đến mức độ miễn dịch cộng đồng”.

Ngoài ra, bác sĩ Eric Dziuban cũng cho rằng TP HCM đang áp dụng mô hình đúng đắn trong việc phân bổ nguồn lực y tế, điều trị ca dương tính theo 2 mức: Mức nặng phải nhập viện và mức nhẹ điều trị tại nhà. Đây là mô hình được coi là thành công nhằm giảm tình trạng quá tải cho hệ thống y tế xét về mặt dịch tễ học. Những ca mắc nhẹ, không có triệu chứng được điều trị tại nhà dưới sự theo dõi của nhân viên y tế nhằm giảm áp lực cho bệnh viện. Việc chia điều trị theo cấp độ là mô hình phù hợp hiện nay.

Dấu ấn quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh

 Chính phủ Việt Nam đã làm việc rất tích cực với các cơ quan quốc tế để kêu gọi sự chung tay, hợp tác, hỗ trợ bao gồm việc bảo đảm vắc-xin trên phương diện song phương và đa phương khi cần thiết.

Mặc dù thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vắc-xin ngừa Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành từ các đối tác và bạn bè quốc tế với tổng số đã cam kết 150 triệu liều vắc-xin thông qua đàm phán mua và viện trợ.

Việt Nam được đánh giá đang đi đúng hướng trong ứng phó với Covid-19 (Ảnh: AP)

Về phần mình, Việt Nam cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chống lại dịch bệnh nguy hiểm này thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế. Thời gian qua, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực phòng chống dịch trong khả năng có thể cho Nhân dân các nước, tận tình cứu chữa người nước ngoài mắc bệnh và nêu cao tinh thần đoàn kết bằng những hành động thiết thực như: Tặng khẩu trang, vật tư y tế, hỗ trợ vật chất cho hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế…

Tốc độ phục hồi kinh tế

 Hồi giữa tháng 5, tờ Business Times của Singapore dẫn báo cáo của ngân hàng Maybank Kim Eng nhận định, Việt Nam dường như đang dẫn đầu tăng trưởng kinh tế trở lại trong 4 nền kinh tế mới nổi ở ASEAN được gọi chung là CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).

Báo cáo chỉ ra, Việt Nam được đánh giá đã ngăn chặn thành công suy thoái trong năm 2020 với mức tăng trưởng kinh tế dương, xuất khẩu cả năm tăng 6,9%. Xuất khẩu của Việt Nam tăng 29,6% trong 4 tháng đầu năm 2021 với các mặt hàng máy móc, máy tính và điện tử tăng mạnh.

Theo Maybank, đợt lây nhiễm mới gần đây đang hạn chế khả năng di chuyển của người dân xuống khoảng 20%, dưới mức cơ bản. Dù vậy, đơn vị này vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 của Việt Nam ở mức 6,5%.

Trên tờ Times of India, Tiến sĩ SD Pradhan, nguyên cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ cũng có bài phân tích về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Theo bài viết, năm 2020, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng dương. Bất chấp tác động nghiêm trọng của đại dịch, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng GDP thực tế khoảng 3%.

Xét về giá trị GDP, Việt Nam đạt trên 343 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á.

Những tháng qua, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp nề tới nền kinh tế, hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, với công tác phòng chống dịch bệnh đang được thực hiện tập trung, quyết liệt, nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay có những triển vọng khá lạc quan.

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá mức tăng trưởng GDP Việt Nam là 6,6%, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán là 6,5%. Ngân hàng UOB cũng đưa ra con số tích cực lên đến 6,7%, cao hơn so với mục tiêu của Chính phủ Việt Nam đề ra là 6 - 6,5%.

Ngọc Ly - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cổ tự linh thiêng trên núi Đại Huệ nắm giữ nhiều kỷ lục Việt Nam

Giữa cảnh sắc núi non hùng vĩ, chùa Đại Tuệ hiện lên thấp thoáng trong mây ngay trên động Thăng Thiên, làm nao lòng không biết bao du khách mỗi khi có dịp vãn cảnh chùa. Đây được xem là điểm du lịch tâm linh văn hóa xứ Nghệ. Ngôi chùa cổ này còn trở nên nổi tiếng khi đang nắm giữ những kỷ lục Việt Nam.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/viet-nam-di-dung-huong-trong-ung-pho-dai-dich-covid-19-174219.html