Vua trầm không ngai và những loại gỗ "thần linh" kỳ bí

23/01/2020 22:04

Kinhte&Xahoi Không như Trầm hương đã được dân gian truyền miệng ngàn đời về những linh nghiệm khi sử dụng làm vật trưng bày, trang sức hay phục vụ nhu cầu tâm linh, gỗ Sưa đỏ (hay còn gọi là Huê đỏ) chỉ mới nổi lên hơn 10 năm gần đây, nhưng đã đứng vào hàng nhất, nhì những loại gỗ của thần linh, phục vụ nhu cầu làm đồ mỹ nghệ và tín ngưỡng không chỉ ở riêng Việt Nam. Tất nhiên, những “loại gỗ của thần linh” này có giá cao ngất ngưởng và xung quanh nó thêu dệt muôn vàn chuyện kỳ bí.

Vua trầm không ngai và nghìn cây vàng bỏ lại để giữ mạng

Như một cơ duyên, 5 năm trước tôi gặp Hùng “be” ngay bên bờ kè cửa biển Vạn Giã (Ninh Hòa – Khánh Hòa). Gã tên thật là Mai Ngọc Hùng, nổi danh khắp vùng Nam Trung Bộ với tên gọi Hùng “be”.

Gã sinh ra và lớn lên bên cửa biển Vạn Giã, nhúm rau cắt vội mẹ ông vứt bên cột chèo lúc con nước lớn, nhưng tuổi trẻ của gã lại rong ruỗi khắp núi cao, rừng rậm để theo đuổi đam mê Trầm – Kỳ.

Nhất là núi rừng Nam Trung Bộ và phên dậu của tổ quốc ở Tây Nguyên, bàn chân gã dẫm không sót khoảnh rừng nào.

Những mặt hàng mỹ nghệ trầm hương từ cây Dó bầu.

 
Ngày gã đôi mươi, gia đình gã đã là điểm thu mua trầm lớn nhất Khánh Hòa. Ngày đó, trầm hương chưa hiếm, chưa sốt như bây giờ, nhà gã chỉ lựa trầm để nghiền bột làm hương.

Đến một ngày, một ông khách Đài Loan ghé nhà gã thu gom trầm và đặt hàng, trong đó trầm loại 1 được đặt hàng số lượng không hạn chế, với giá trị bán cân tính bằng vàng, riêng kỳ nam, 1 kg kỳ nam được đổi ngang 1 kg vàng.

Sẵn đam mê và mánh khóe, Hùng “be” học lỏm được hết thảy mánh khóe phân loại, định giá trầm, kỳ của người khách Đài Loan. Nhất là mánh khóe nhìn và lựa ra được Kỳ nam trong trầm hương.

Từ đó, Hùng “be” bỏ nghề làm hương chuyển sang buôn bán trầm, kỳ. Gã tung tiền ứng trước cho dân “đi điệu”, đi lên những cánh rừng nguyên sinh ở các tỉnh Nam Trung Bộ, mở rộng lên các cánh rừng Tây Nguyên.

Trầm – Kỳ đổ về nhà ông ào ạt… Mà ngày đó, dân “đi điệu” đi về chỉ biết bán cho ông với giá trầm hương bình thường, chứ không biết rằng chỉ qua một đêm, Hùng “be” soi đèn đã lựa ra được những loại tinh túy nhất của Trầm hương là Kỳ nam.

Một khúc kỳ nam như này được dân sành gỗ tính giá trị gần... 40 tỷ đồng.

Chỉ vài năm, Hùng “be” đã có cả nghìn cây vàng trong tay. Nhưng như một “lời nguyền huyết hải” về những ai “đi điệu” và buôn bán trầm – kỳ, Hùng “be” trở nên trắng tay chỉ sau một đêm.

Mà sự trắng tay này được báo trước bằng một giấc mộng vật vã mồ hôi.“Trước đêm đánh xe lên Tây Nguyên làm cú chót, anh nằm mơ một giấc mộng hãi hùng, với núi đổ, cây gãy và hàng ngàn cánh tay từ các thân cây cứ vươn ra níu kéo anh, lôi anh ngược lên những cánh rừng, dúi anh vào những thân cây Dó mục ruỗng… Tỉnh dậy mồ hôi đổ ra như tắm, nhưng anh vẫn quyết lên xe ngược ngàn, vì trên đấy anh em báo về gom được lượng trầm kỳ cực lớn”.

Chuyến xe chở lượng trầm kỳ với giá trị ước tính hơn 1 nghìn cây vàng xuôi rừng về xuôi ngay trong đêm, không may dọc đường bị lực lượng chức năng phát hiện.

Gã phóng xe len lỏi vào những con đường tiểu ngạch trong rừng. Giữa đêm tối và rừng núi thâm u, không phân biệt được địa giới hành chính, Hùng “be” liều lĩnh lao xe đi, không ngờ xe và hàng cùng lao xuống vực.

Rất may, gã kịp lao mình ra khỏi cửa xe trốn thoát. Sau chuyến hàng bỏ lại 1 nghìn cây vàng dưới vực sâu để giữ lấy mạng, Hùng “be” tỉnh ngộ về yên phận với một nhà hàng và vườn cây rộng lớn ngay bên bờ kè cửa biển Vạn Giã, hàng ngày vui thú điền viên.

Kỳ nam kết tinh trong thân trầm.

Ngày gặp tôi, Hùng “be” vào mở cái két sắt to như cái tủ, lấy ra một khúc kỳ nam và một khúc trầm hương. Gã trầm ngâm cho biết đây là thứ gia bảo gắn liền với cuộc đời của gã, gã quyết giữ chứ không bán với bất cứ giá nào, mặc dù thời điểm đấy có thể bán được 1 kg với giá 25 – 30 tỷ đồng.

Gã nói, nếu bán đi thì đời gã sẽ sụp xuống, vì đây là thứ gỗ của thần linh, bao năm ngự trong nhà và phù trợ cho lão. Nói rồi gã cắt cho tôi một khúc gỗ trầm hương, bảo về đục 1 bức tượng phật nhỏ để trong nhà hoặc trên xe ô tô. Từ đó như có một niềm tin, tôi làm gì cũng thuận…

Cây gỗ của thần linh được con người nhân giống

Ngày ngồi với ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê  (Hà Tĩnh), tôi ngạc nhiên vô cùng khi biết sau những bạt ngàn đồi núi phía tây huyện Hương Khê kia, là vô vàn cây Dó chứa đựng trong đó tinh túy của trời đất là trầm hương. Mà ở đây, đều do bàn tay của con người trồng và tạo nên những cây gỗ của thần linh.

Ông Huấn nói: Trầm hương có nhiều loại, trong đó có trầm tự nhiên, có trầm nhân tạo. Trầm nhân tạo ở đây là do con người chủ động tạo ra trên cây gió bầu, chủ động tạo ra các vết thương và bơm thuốc vào để cấy trầm.

Khoan đục cây Dó để cấy trầm.

Về Phúc Trạch, tôi choáng ngợp trước diện tích hơn 300ha mà người dân địa phương dùng để trong Dó cấy trầm. Trung bình, 1 ha trồng được gần 1.000 gốc Dó, sau 3 năm cây lớn là có thể cấy trầm bằng cách khoan hoặc đục lỗ vào thân cây, bơm thuốc kích thích tạo trầm.

Cứ thế mặc cho linh khí trời đất tích tụ, sau vài năm những thân cây Dó đã cấy trầm sẽ hình thành nên những tia trầm trong trân cây.

Cây càng lớn, nhiều tia trầm và chất lượng trầm cao thì có giá trị cao. Thường một cây Dó có trầm dao động từ 50 đến 100 triệu đồng. Nhưng những thân cây to, hình dáng đẹp, chĩa ra nhiều nhánh thân kỳ quái, thì 300 đến 500 triệu đồng người dân cũng không muốn bán.

Đặc biệt, là khi người dân ở đây còn biết tạo ra những mặt hàng mỹ nghệ có giá trị cao từ cây Dó và trầm hương. Như một người dân nơi đây cho biết, tất cả từ cây Dó đều có thể quy ra tiền, kể cả các loại dăm sau khi xoi trầm loại ra, cũng dùng để làm hương, chế tinh dầu, nước hoa…

Sưa đỏ, loại gỗ trừ tà ma?

Nói về Sưa đỏ, có vô vàn câu chuyện kỳ bí về loại gỗ này trong hơn 10 năm gần đây trên đất nước Việt, khi mà con sốt săn lùng gỗ Sưa đỏ lên đến đỉnh điểm với giá trị thu mua 1 kg lõi gỗ Sưa đỏ 25 – 30 triệu đồng.

Có những cây Sưa đỏ cổ thụ được định giá trêm 100 tỷ đồng, thương lái tấp nập tranh nhau mua là chuyện bình thường.

Một bức tượng phật bằng Sưa đỏ Quảng Bình.

Nhưng thực tế, không ai biết công dụng của gỗ Sưa đỏ dùng để làm gì mà người ta mua với giá ngất ngưỡng như thế. Chỉ biết một điều, gỗ Sưa đỏ rất đẹp, với vân xoáy hình mây 4 mặt và khi đốt lên thoang thoảng hương thơm rất ấm và ngọt.

Tôi chơi với một đại gia gỗ đất Quảng Bình, nơi mà năm 2013 chấn động cả nước với việc người dân phát hiện và khai thác 2 cây Sưa cổ thụ giá trị lên đến cả nghìn tỷ đồng ở vũng lõi Phong Nha – Kẻ Bàng. Đầu năm 2014, cũng ở nơi đây người dân phát hiện một gốc gỗ Sưa khủng, sau đó tỉnh Quảng Bình phải trưng thu để trưng bày làm cảnh.

Nhiều người đặt tượng phật bằng sưa đỏ trong lồng kính để nơi trang trọng nhất trong nhà.

Vị đại gia này là người đã gom được nhiều phách Sửa đỏ trong vụ việc trên và bán được trót lọt ra nước ngoài, thu lời hàng chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi nói về công dụng của gỗ Sưa đỏ, đại gia này ra vẻ rất bí ẩn mà chỉ nói : "Không phải ngẫu nhiên mà người Trung Quốc sử dụng và thu mua từ cả ngàn năm nay, với giá trị tính bằng kg. Trung Quốc là đất nước của các thuật toán chiêm tinh và những tín ngưỡng kỳ bí mà chỉ riêng họ mới hiểu được. Cho nên không phải ngẫu nhiên người Trung Quốc phải tìm cách có được một vật phẩm bằng Sưa đỏ trong nhà hoặc đeo trên người".

Nói rồi, đại gia này chỉ lên phía trang trọng nhất trong ngôi biệt thự khủng, nơi đó một bức tượng phật bằng gỗ Sưa đỏ ngự trong lồng kính.

Trên người đại gia này, cũng đeo những chuỗi vòng bằng gỗ Sưa đỏ đã lên nước óng ánh. Theo lời đại gia này, hiện trên thị trường có nhiều loại gỗ Sưa đỏ, như tượng gỗ, vòng đeo tay… Nhưng chủ yếu là gỗ Sưa dây, không mấy giá trị.

Giá trị nhất, được săn lùng ráo riết nhất, là gỗ Sưa đỏ Quảng Bình, nơi cho chất gỗ và vân gỗ đẹp nhất, có giá trị tâm linh, trừ tà ma nhất, mà người Trung Quốc gặp là mua liền, với giá mua từ 15 – 20 triệu đồng/1 kg.

Còn nhiều nữa, những loại "gỗ của thần linh" mà bao năm nay tạo nên cơn sốt trong thế giới tâm linh của người Việt, như gỗ Ngọc Am, Huyết Long… Mỗi loại gỗ chứa trong nó vô vàn những câu chuyện kỳ bì, hư hư thực thực.

Nhưng có một thực tế, là sử dụng vật phẩm tạo ra từ những loại gỗ này để cầu mong bình an, may mắn, chính là một nét đẹp văn hóa trong thế giới tâm linh của người Việt, luôn có một niềm tin thánh thiện, hướng về những điều tốt đẹp nhất để cân bằng cuộc sống, xây dựng niềm tin và hướng tới tương lai.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lên xứ Mường xem tục lạ đón Xuân

Người Mường ăn Tết cổ truyền kéo dài 7 (thực chất là 8) ngày, bắt đầu từ ngày 30 tháng Chạp của năm cũ đến hết ngày mồng 7 tháng Giêng năm mới. Người Mường gọi “Thết Năm mởi”, dịch sang tiếng phổ thông là “Tết Năm mới”, người Kinh gọi là Tết Nguyên đán.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/vua-tram-khong-ngai-va-nhung-loai-go-than-linh-ky-bi-d115717.html