WHO lên án ngoại giao vaccine
Kinhte&Xahoi
Người đứng đầu WHO chỉ trích cái gọi là "ngoại giao vaccine", lên án các nước coi trọng việc sử dụng vaccine nhằm giành lợi thế cạnh tranh hơn hợp tác chống dịch.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: Reuters)
Hôm 10/5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Ngoại giao vaccine không phải là hợp tác". Người đứng đầu WHO chỉ trích động thái mà ông gọi là "thủ đoạn địa chính trị" của các nước vào thời điểm đáng lẽ phải đề cao "hợp tác minh bạch".
"Chúng ta không thể đánh bại đại dịch COVID-19 thông qua cạnh tranh. Nếu bạn cạnh tranh về tài nguyên hoặc lợi thế địa chính trị thì virus sẽ có cơ hội phát triển", người đứng đầu WHO cho hay.
Tổng giám đốc WHO đưa ra tuyên bố trên khi trả lời câu hỏi về cáo buộc các quốc gia như Trung Quốc, Nga tài trợ số lượng lớn vaccine COVID-19 cho các nước đang có nhu cầu tiêm chủng để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường cũng như gây ảnh hưởng.
Ông Tedros cho rằng, thế giới đang chứng kiến ca mắc COVID-19 mới chững lại song vẫn ở mức cao "không thể chấp nhận được". Theo ông, thế giới ghi nhận hơn 5,4 triệu ca nhiễm bệnh mới và gần 90.000 người chết chỉ trong tuần trước, trong đó số lượng này tăng mạnh tại Ấn Độ.
Việc triển khai chương trình tiêm chủng giúp một số nước giàu bắt đầu thực hiện các bước đi hướng tới iệc trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn hoành hành ở nhiều quốc gia, trong khi lo ngại bất bình đẳng vaccine toàn cầu ngày càng tăng.
Ông Tedros lưu ý "các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp chiếm 47% dân số thế giới, nhưng chỉ nhận được 17% lượng vaccine". “Giảm bớt sự mất cân bằng toàn cầu này là một phần thiết yếu”, Tổng giám đốc WHO cho hay.
Tuy nhiên, người đứng đầu WHO cũng nhấn mạnh các quốc gia cần phải cảnh giác, ngay cả những nước có khả năng tiếp cận vaccine rộng rãi và dịch bệnh dường như đang giảm. "Trong năm qua, nhiều quốc gia trải qua xu hướng giảm ca nhiễm mới và thiệt mạng nên nới lỏng các biện pháp xã hội và y tế công cộng quá nhanh, khiến người dân đã mất cảnh giác", ông Tedros nói.
Đến nay, đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành tại nhiều nơi, giết chết hơn 3,3 triệu người, phá hủy cuộc sống bình thường và tàn phá kinh tế toàn cầu.
Kông Anh - Theo VTC News