Xây dựng chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

27/03/2022 08:47

Kinhte&Xahoi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 159/KH-SVHTT về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025, nhằm mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội.

Kế hoạch gồm 12 nhóm nội dung, trong đó có các nhiệm vụ như: Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh; xây dựng đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; triển khai công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một; nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản…

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đề ra mục tiêu trong năm 2022, xây dựng dự thảo Nghị quyết trình HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; từ năm 2024-2025, xây dựng đề án đánh giá hiện trạng, kiểm kê bổ sung danh mục di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội; năm 2025, tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội 2021-2025, nhằm đánh giá những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm cũng như biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích trong bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể…

 Nguyễn Thanh - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đẩy mạnh tư liệu hóa di sản

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cần bảo vệ trên địa bàn thành phố năm 2022, với 4 di sản được tiến hành khảo sát chuyên sâu, tập hợp thông tin, lập hồ sơ lưu trữ. Qua đó bổ sung nguồn tư liệu, thông tin về di sản phục vụ công tác bảo tồn, tôn vinh, quảng bá; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, thu hút nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại.

Nguồn: Hà Nội mới