Yếu tố làm nên thành công của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic

26/12/2022 15:13

Kinhte&Xahoi Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã bật mí những yếu tố làm nên thành tích của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, Hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022.

Tại lễ gặp mặt, tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 tổ chức sáng 26/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, thành tích của học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, Hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 được hội tụ từ nhiều nguyên nhân.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Thế Đại)

Song về cơ bản, có thể kể đến các yếu tố: Thứ nhất, đây là thành quả của chính sách đúng đắn, chiến lược phù hợp của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm qua; sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Bộ đối với công tác phát triển, bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi các cấp.

Thứ hai, là những đổi mới căn bản, đồng bộ trong công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi quốc gia và tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, cũng như tuyển chọn dự án dự thi Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế của Bộ GD&ĐT.

Thứ ba, là những nỗ lực, cố gắng vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là niềm đam mê khoa học và sự sáng tạo trong học tập, rèn luyện của các học sinh trong các đội tuyển Quốc gia; Công lao của các nhà trường THPT, sự tận tụy của các thầy cô giáo ở các trường THPT chuyên, các thầy cô giáo, các nhà khoa học tham gia tập huấn đội tuyển, đưa đội tuyển tham gia dự thi.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, năm 2022, bên cạnh các đơn vị vẫn có truyền thống bồi dưỡng học sinh giỏi như trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An),... thuộc các trường ĐH, các Sở GD&ĐT phía Bắc, còn ghi nhận và biểu dương các sở GD&ĐT tỉnh thành phía Nam đã có những kết quả vượt trội trong kỳ thi Olympic.

Có thể kể đến: Sở GD&ĐT Phú Yên, Sở GD&ĐT Bình Phước năm đầu tiên có học sinh đoạt giải; Sở GD&ĐT Hà Nam, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên có học sinh đoạt huy chương Vàng. Những kết quả đó đánh dấu sự phát triển đồng bộ trong toàn ngành Giáo dục.

"Sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông, báo chí đã kịp thời đưa tin, cổ vũ, động viên các em học sinh đoạt giải, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, và động lực phấn đấu học tập, rèn luyện cho không chỉ các học sinh dự thi Olympic mà cả đối với đông đảo học sinh, sinh viên trên cả nước" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nêu rõ yếu tố thứ tư làm nên thành tích của học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, Hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022.

Hoa Tiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tạo sức sống lâu bền cho di sản ca trù Thủ đô

Sau 12 năm vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (năm 2009) của UNESCO, nhiều nghệ nhân gạo cội đã đi xa. Di sản ca trù của Hà Nội đang được tiếp nối với sự góp sức của cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Lên Mù Cang Chải ngắm hoa Tớ Dày, xem giã bánh giầy, vui xuân cùng bà con bản Mông

Cứ mỗi độ xuân sang hoa Tớ Dày lại bung nở đỏ thắm trên những triền núi xanh. Hoa Tớ Dày, hay còn gọi là hoa Đào Rừng – loài hoa có sức sống mãnh liệt, đặc trưng riêng có gắn liền với cuộc sống từ bao đời nay của đồng bào Mông vùng cao Tây Bắc, nhất là đối với người Mông huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nơi có tỷ lệ che phủ rừng rất cao (67,25 %), do đó mùa hoa Tớ Dày ở đây vẫn còn rất nguyên sơ như thủa ban đầu.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-duc/yeu-to-lam-nen-thanh-cong-cua-hoc-sinh-viet-nam-tai-cac-ky-thi-olympic-d188367.html