Giữa năm 2023, trong chuyến tham quan – học tập ngắn hạn về báo chí tại Mỹ, tôi có cơ hội tham dự hai buổi thảo luận chuyên sâu và đầy cảm hứng về ảnh báo chí. Cả hai đều xoay quanh một chủ đề nóng bỏng: trí tuệ nhân tạo (AI) và những thách thức mà nó đặt ra cho báo chí, đặc biệt là các sản phẩm trực quan như ảnh và video.
AI – “con dao hai lưỡi” trong báo chí hiện đại
Tại buổi chia sẻ với nhà báo kỳ cựu Al Tomkins – giảng viên cao cấp tại Viện Poynter (Florida, Mỹ), ông nhấn mạnh: AI đang tạo ra một thách thức vô cùng lớn đối với báo chí, đặc biệt trong khâu khai thác, xác minh và xuất bản ảnh, video. Những công cụ chỉnh sửa bằng AI cho phép người dùng dễ dàng tẩy xoá, cắt ghép hoặc tạo ra hình ảnh chỉ với vài thao tác đơn giản. Đáng lo ngại hơn, các đoạn video giả về những sự kiện “nóng” như chiến sự Nga - Ukraine hay hình ảnh giả cựu Tổng thống Donald Trump bị bắt… đã được tạo ra một cách tinh vi, khiến ngay cả các cơ quan điều tra hay báo chí chuyên nghiệp tại Mỹ cũng gặp khó khăn trong việc kiểm chứng.
Thời cơ cho những phóng viên chụp ảnh thật giữa cơn bão tạo ảnh giả từ AI
Điều đáng lưu ý là trong suốt hơn ba tiếng đồng hồ thảo luận, ông không hướng dẫn cách tạo ảnh/video từ AI, mà chỉ tập trung vào kỹ năng xác thực, kiểm chứng hình ảnh – một công việc ngày càng trở nên thiết yếu trong kỷ nguyên số.
Tương tự, ông Doug Haddix – Giám đốc chương trình Kiplinger về Báo chí Công vụ, Phó Chủ tịch Đại học Bang Ohio – cũng đưa ra cảnh báo rằng các nhà báo hiện nay phải đối mặt với “rừng” thông tin sai lệch, sản phẩm giả từ AI và việc tái sử dụng tràn lan hình ảnh, nội dung chưa kiểm chứng trên internet. Ông tập trung đào tạo nhóm nhà báo kỹ năng phân tích dữ liệu và kiểm chứng hình ảnh từ mạng xã hội – nơi vừa là mỏ vàng thông tin, vừa là "mảnh đất" dễ dính tin giả nếu thiếu tỉnh táo.
Ông Doug Haddix – Giám đốc chương trình Kiplinger về Báo chí Công vụ, Phó Chủ tịch Đại học Bang Ohio, Mỹ - trong buổi thảo luận.
Cả hai diễn giả đều thống nhất rằng: AI hiện tại chưa phải là công cụ sáng tạo đáng tin trong báo chí, đặc biệt là với ảnh. Ngược lại, nó là thách thức mà người làm báo cần hiểu rõ để phòng ngừa, kiểm soát và sử dụng một cách đúng đắn.
Thực trạng và ứng xử tại Việt Nam
Ở Việt Nam, từ đầu năm 2023, nhiều tòa soạn đã bắt đầu chú trọng tới việc ứng dụng AI vào sản xuất nội dung. Báo Dân trí là một ví dụ điển hình khi ứng dụng AI vào các công việc như cá nhân hoá nội dung, kiểm tra chính tả, tổng hợp văn bản. Tuy nhiên, với ảnh báo chí, toà soạn này tuyệt đối không dùng AI để chỉnh sửa, cắt ghép hay sản xuất ảnh báo chí mang tính tường thuật sự kiện thực tế.
Một số ít ảnh minh hoạ do AI tạo ra được sử dụng trong những trường hợp bất khả kháng – như nội dung khó có điều kiện tác nghiệp thực tế hoặc mang tính khái quát, không đề cập đến cá nhân, tổ chức cụ thể (ví dụ: ảnh minh họa cho bài viết về kỳ thi, giới tính, văn phòng làm việc…). Các ảnh này đều có chú thích rõ ràng là sản phẩm AI, đảm bảo tính minh bạch.
Nhà báo Nguyễn Tiến Anh Tuấn
Đặc biệt, các sản phẩm đồ họa minh họa trong chuyên mục Dmagazine – vốn được xem là sản phẩm Báo chí sáng tạo – có sử dụng công nghệ AI nhưng không được tính là ảnh báo chí theo đúng định nghĩa nghề nghiệp.
Ảnh AI – không thay thế được ảnh thật
Sau thời gian thử nghiệm, đa số phản hồi từ độc giả cho thấy ảnh minh họa từ AI thường bị đánh giá là thiếu cảm xúc, “sượng trân”, không thật và dễ khiến người xem mất đi sự kết nối cảm xúc với nội dung bài viết. Thậm chí, có những trường hợp ảnh AI làm “vỡ” cảm xúc người đọc, như ảnh minh họa cho một bài thơ về bà nội nhưng hình ảnh lại không thể hiện đúng tinh thần và chi tiết văn hoá Việt.
Thực tế cho thấy: dù AI có tiến bộ đến đâu, ảnh tạo ra từ AI vẫn là sản phẩm trí tưởng tượng, không ghi lại khoảnh khắc thật sự diễn ra trong đời sống. Chính vì thế, ảnh báo chí chân thực vẫn là yếu tố cốt lõi để duy trì lòng tin của độc giả.
Một sự việc khiến tôi nhớ mãi: giữa năm 2023, một sinh viên thực tập gửi bài ảnh quá hoàn hảo đến mức tôi nghi ngờ. Sau khi kiểm tra, em thừa nhận đã sử dụng tính năng AI trong Photoshop để xoá nhân vật và chi tiết thừa. Những chỉnh sửa "quá sạch" này tuy khó phát hiện nhưng lại làm sai lệch bản chất sự kiện trong ảnh.
Ảnh do Ai tạo
Trong bối cảnh AI được tích hợp sẵn trên hầu hết smartphone hiện đại, chỉ vài giây là người dùng có thể xoá vật thể không mong muốn và lưu ảnh như bản gốc. Điều này tạo ra áp lực rất lớn cho người làm báo trong việc xác minh độ xác thực của ảnh, đặc biệt khi ảnh từ cộng tác viên, độc giả, mạng xã hội liên tục được gửi về mỗi ngày.
Hiện đã có một số công cụ AI (miễn phí và trả phí) hỗ trợ kiểm tra nguồn gốc và độ xác thực của ảnh, video như:
- Illuminarty
- V7 Deepfake Detector
- Hugging Face
Tuy nhiên, kết quả chỉ mang tính tham khảo. Cuối cùng, sự nhạy bén, kỹ năng và kinh nghiệm của người làm báo vẫn là yếu tố quyết định.
Ảnh báo chí chân thực – dù không hoàn hảo – luôn mang giá trị lớn lao: Ghi lại khoảnh khắc thật, truyền cảm xúc thật, góp phần khẳng định giá trị của báo chí hướng đến sự thật. Trong khi ảnh AI – dù có sắc nét, bắt mắt đến đâu – vẫn chỉ là sản phẩm số hoá, không thể thay thế ảnh thật trong vai trò minh chứng cho sự kiện, sự việc có thật.
Nếu dễ dãi chạy theo tốc độ, chấp nhận những bức ảnh chưa được kiểm chứng hay tạo ra từ AI, người làm báo rất dễ đánh mất niềm tin đã gây dựng với độc giả suốt nhiều năm qua. Và khi lòng tin đó bị bào mòn, sẽ không dễ gì lấy lại.
nguonluc