Đường di chuyển của 2 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)
Ðường đi dị thường
Ngày 2/9, tại cuộc họp ứng phó với ATNĐ có thể mạnh thành bão trên biển Đông, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, trên biển Đông khả năng sẽ xuất hiện tình thế với 3 cơn ATNĐ/bão trong thời gian tới.
Theo ông Khiêm, cùng với cơn ATNĐ gần bờ, khoảng sáng 2/9, vùng mây đối lưu giữa biển Đông cũng mạnh lên thành ATNĐ khác. Cùng đó, ngoài khơi Philippines đang xuất hiện một vùng áp thấp khả năng mạnh thành bão.
Về ATNĐ gần bờ, khoảng 16 giờ ngày 2/9, ATNĐ này đang nằm trên đảo Hải Nam, sau đó di chuyển theo hướng tây tây nam và khả năng mạnh lên thành bão số 5 trên biển Đông trong 12 giờ tới.
Khoảng 4 giờ hôm nay (3/9) bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam, với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Tuy nhiên, khác với những cơn bão khác, thường xu hướng “lao đầu” vào đất liền, cơn bão số 5 này nhiều khả năng sẽ quay trở lại ra ngoài khơi. “Từ 30 mô hình tính toán và tính toán tác động, cơ quan khí tượng Việt Nam nhận định phương án dễ xảy ra nhất là đi vào vùng biển gần Quảng Bình, Quảng Trị sau đó lại quay trở ra đi về phía Hồng Kông”, ông Khiêm nói.
Về ATNĐ ở giữa biển Đông, sáng 2/9 đang theo hướng Bắc Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 16 giờ ngày 3/9, ATNĐ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 150km về phía Đông Đông Bắc.
Tuy nhiên, theo nhận định cơ quan khí tượng Việt Nam, khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ này có thể sát nhập với cơn bão số 5 ở vùng biển phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Cũng theo ông Khiêm, các mô hình dự báo đều cho thấy có mưa lớn ở Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ và Tây Nguyên. Mưa sẽ tập trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam với lưu lượng từ 300 - 500mm cả đợt từ ngày 2 đến 6/9, có nơi mưa lớn hơn.
Với hình thái thời tiết nguy hiểm trên, ở vịnh Bắc bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Bình Định có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm ATNĐ/bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 3-4 mét, biển động rất mạnh. Từ đêm 2/9, vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Hằng trăm hồ chứa bị đe dọa
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, hiện nhiều hồ, đập, đê bị sự cố do mưa lớn thời gian qua. Tại hệ thống đê ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, có có 237 vị trí trọng điểm xung yếu, 86 công trình đang thi công dở.
Đáng lưu ý, tại tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 4 sự cố về đê điều, chủ yếu là sạt lở đê sông Mã, sông Chu, sông Nhơm. Hiện địa phương đã xử lý bước đầu các sự cố và tiếp tục theo dõi.
Ngoài ra, Thanh Hóa cũng có 2 hồ chứa bị sự cố (Làng Pheo ở huyện Ngọc Lặc và Nhiêu Mua ở huyện Vĩnh Lộc). Địa phương đã tháo cạn nước trong hồ và đang lập phương án sửa chữa.
Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện cả nước có khoảng 200 chồ chứa hư hỏng, cùng đó có hơn 100 hồ đang sửa chữa, nâng cấp cần lưu ý. Có 5 hồ chứa thủy lợi đang xả tràn là các hồ: Đầm Hà Động, Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh), Vực Mấu (Nghệ An), Ia Mơr (Gia Lai) và Ea Soup Thượng (Đắk Lắk).
Đặc biệt nhiều địa phương có khả năng mưa lớn thời gian tới có nhiều hồ hư hỏng như: Thanh Hóa (16 hồ), Nghệ An (10 hồ), Hà Tĩnh (6 hồ), Quảng Bình (12 hồ), Quảng Trị (6 hồ), Quảng Nam (5 hồ), Quảng Ngãi (5 hồ), Bình Định (7 hồ), Gia Lai (10 hồ), Đắk Lắk (8 hồ), Đắc Nông (8 hồ)...
Liên quan vấn đề sửa chữa, khắc phục sự cố ở các hồ chứa, từ thực tế kiểm tra tại ở Thanh Hóa, ông Lê Văn Dương, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi) đã chỉ ra nhiều bất cập.
Theo ông Dương, các dự án sửa chữa, cải tạo hồ đập nói trên, dù vốn của tỉnh nhưng giao cho huyện làm chủ đầu tư. Việc thiết kế kỹ thuật sửa chữa hồ lại không thông qua đơn vị chuyên môn ở tỉnh như với trường hợp Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Thanh Hóa). Từ đó, đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT không thẩm định vấn đề trên.
“Nếu có cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế trên, họ kiểm soát và góp ý cho UBND huyện phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, thi công sẽ đảm bảo an toàn hơn… Đương nhiên, việc này đã giao cho huyện, thì cấp huyện phải chịu trách nhiệm”, ông Dương nói.
Theo ông Dương, thực tế trên là tình trạng chung ở các địa phương. Khi đưa dự án về huyện, ở các phòng nông nghiệp ở huyện, nơi có cán bộ chuyên môn thủy lợi, nơi không. Vì vậy, phần nào đó, sẽ ảnh hưởng đến quá trình thẩm định, phê duyệt các phương án đảm bảo an toàn cho các hồ đập.
Ông Dương cũng cho biết, tới đây Tổng cục Thủy lợi có thể có những khuyến cáo, đề nghị các địa phương rà soát, chấn chỉnh vấn đề trên, với mục tiêu là đảm bảo an toàn cho các công trình, hồ chứa thủy lợi nhỏ.
Dẫu vậy, ông Dương cũng cho rằng, tình trạng mưa lớn, cục bộ đe dọa rất lớn đến hệ thống hồ chứa nhỏ. Trong khi, các dữ liệu quan trắc về khí tượng thủy văn về hồ rất thiếu.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống Thiên tai, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng lưu ý, khu vực trung du và miền núi, cần đảm bảo an toàn cho hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa đang gặp sự cố, sửa chữa, các hồ thủy điện nhỏ.
“Quản lý ở địa phương nếu không nắm bắt được tình hình về thực trạng các hồ chứa thủy lợi, đây là nguyên nhân rất nguy hiểm, có thể gây thảm họa cho hạ du khi vỡ đập”, ông Hoài nói.
Cũng theo ông Hoài, một số hồ chứa thủy điện nhỏ hiện đã xả tràn, Bộ Công Thương cần chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ vấn đề này. “ Ngay một số hệ thống thủy điện nhỏ trên sông Mã và một số sông khác đã xả lũ nhưng kiểm soát không chặt chẽ”, ông Hoài nói.
(Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại)