Bữa cơm bán trú “tủi hờn” qua cái nhìn trong cuộc
Kinhte&Xahoi
Chất lượng không đảm bảo, thậm chí đã hơn một lần xảy ra ngộ độc thức ăn. Tình trạng bớt xén và cả “ăn theo” ở nơi này, nơi khác đã khiến bữa cơm bán trú mang nặng những… “tủi hờn”! Một cô giáo tiểu học đã gửi cho tôi những thông tin này...
Những năm gần đây, do sự phát triển của đời sống xã hội cũng như để phù hợp với nhịp sống công nghiệp, nhu cầu cho con học bán trú của phụ huynh rất cao, đặc biệt là học sinh mầm non và học sinh tiểu học .
Song, “cầu” thì cao mà việc “cung “ ở không ít nơi lại chưa thực sự đảm bảo.
Trước hết, nói về cơ sở vật chất dùng cho việc dạy và học, để đảm bảo một phòng học đủ chuẩn chỉ học thôi đã khó vì quĩ đất xây dựng ngày càng hạn hẹp. Nhất là đối với thành phố hoặc nơi tập trung các khu công nghiệp.
Việc một căn phòng vừa là giảng đường vừa để sinh hoạt ăn ngủ nên rất khó đảm bảo những yêu cầu tối thiểu. Tại các trường mầm non, sau giờ học, đến giờ ăn, các cô đành lau chùi vội vã rồi trải thảm hoặc dùng luôn thảm cũ cho các con ngủ.
Với học sinh tiểu học, việc này có khá hơn, nghĩa là các lớp đều được trang bị bàn học đa năng, học hành, ăn uống xong là ngả bàn ra ngủ.
Thứ hai, về chất lượng bữa ăn của học sinh. Trước đây, nhà trường chủ động mua thực phẩm về rồi thuê người nấu, trực tiếp giám sát và chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Thế nhưng gần đây, dưới sự “chỉ thầu” của trên, phần đa các trường mua cơm do các công ty kinh doanh lĩnh vực này đảm nhiệm.
Tại sao lai dùng từ “chỉ thầu”? Lý do là bởi gần đây, các công ty kinh doanh lĩnh vực này mọc lên nhan nhản. Họ, bằng cách này hay cách khác, sẵn sàng nhảy vào Ủy ban Quận hay Thành phố hoặc các phòng giáo dục để tiếp thi mời chào, cạnh tranh. Họ dùng mọi chiêu thức, kể cả “lo lót” cốt sao được “trúng thầu”.
Để thành công trong việc trúng thầu, họ phải lo lót đủ các cấp từ nhỏ đến to chưa kể tiền lo cho các đoàn kiểm tra bất thần kéo đến và tất nhiên, giá thành và chất lượng bữa ăn của học sinh đều phụ thuộc vào những “bước đệm“ này.
Hiện nay, một suất cơm bán trú của học sinh tiểu học dao động từ 16-20 ngàn đồng. Tiền thì ít ỏi là vây nhưng mỗi suất cơm phải gánh các khoản như tiền lãi, tiền công, tiền lo lót và cả phải gánh thêm cho những suất ăn không tên.
Đó là có lúc, có nơi phải gánh suất ăn cho cô giáo (một số người thường có thói quen… “ăn ké” nhưng nhiều người thường đem thức ăn từ nhà đi) và cho một số học sinh “nghèo” mà ai đó tự dưng muốn “từ thiện” nhưng lại không chịu bỏ tiền túi mình ra.
Một trường mà có đến vài chục suất cơm từ thiện theo kiểu “áo rách đùm áo lành” thì liệu rằng giá cơm từ 16-20 ngàn đồng sẽ còn giá trị thực là bao nhiêu?
Chưa hết, vì phải chi phí nhiều nên “nhà thầu” tính đến chuyện “rút lõi” nên chất lượng của bữa ăn rất kém. Có thể không đến mức cá thối, thịt ôi nhưng việc họ lựa chọn thực phẩm giá rẻ, không nguồn gốc là điều “tất văn nhiên”.
Thứ ba là khâu chế biến. Bếp thì không đủ điều kiện, đầu bếp và phục vụ chỉ là những người không chuyên được thuê với giá rẻ và càng ít người thì chi phí càng thấp.
Thế nên cơm nấu bếp điện được dỡ ra chia hàng loạt từ vài trăm đến cả ngàn suất. Thức ăn nấu cả nồi to để đảm bảo kịp giờ. Với cả ngàn suất ăn mà chỉ hơn chục người nấu nên bắt buộc họ phải làm từ sớm nên các suất cơm thường nguội ngơ nguội ngắt...
Cuối cùng, cái học sinh được là bữa ăn kém chất lượng. May gặp thày cô nào có tâm thì trò còn ăn hết. Thày cô lơ đãng thì cái suất cơm nguội kia rồi cũng bỏ,
Còn nhiều và nhiều nữa nhưng bất an mà phu huynh khó có thể tin tưởng khi gửi con ở lại bán trú. Song, do điều kiện mà họ đành tặc lưỡi chấp nhận.
Mong rằng chính quyền địa phương cũng như ngành giáo dục hãy thật sự vì tương lai con em chúng ta, đừng vì cách này hay cách khác mà rút lõi bữa ăn của các cháu.
Hãy nuôi con khỏe trước khi dạy con ngoan. Đừng để các con suy dinh dưỡng trước khi trang bị hành trang kiến thức.
Đọc những tâm sự của người ttrong cuộc, người viết bài này không khỏi thốt lên: Ôi! Bữa cơm bán trú sao lắm… “tủi hờn”!