Cán bộ, công chức không uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa các ngày làm việc

20/03/2023 11:15

Kinhte&Xahoi Cán bộ, công chức, viên chức không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc đạo đức công vụ. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức chịu sự điều chỉnh của Bộ Quy tắc này.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền.

Chủ động xử lý công việc thuộc thẩm quyền; tăng cường trách nhiệm trong phối hợp xử lý các nội dung có liên quan; không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc.

Cán bộ, công chức không uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa các ngày làm việc.

Không lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến công dân và tổ chức.

Nội dung về sử dụng thời gian làm việc được quy định trong dự thảo Nghị định này.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức cần nghiêm túc tuân thủ nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc; không đến muộn hoặc về sớm không có lý do chính đáng; không tự ý nghỉ việc không phép, nghỉ trong giờ làm việc; khi cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ vì lý do đột xuất phải xin phép và được sự đồng ý của lãnh đạo trực tiếp.

Không làm việc riêng và tham gia các hoạt động khác không liên quan đến công việc trong giờ làm việc.

Quy định trong nội dung về sử dụng thời gian làm việc cũng nêu rõ: Không chơi các trò chơi, sử dụng các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc, không tụ tập ăn, uống đông người trong giờ làm việc; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng tại nơi làm việc.

Dự thảo Nghị định này cũng quy định về việc giao tiếp, ứng xử với cấp trên, ứng xử với cấp dưới của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, trong giao tiếp, ứng xử với cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức cần nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo, điều hành và phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ.

Khi có căn cứ cho rằng quyết định của cấp trên trái pháp luật phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định, trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành phải chấp hành nhưng yêu cầu có ý kiến bằng văn bản và không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành đó, đồng thời báo cáo với cấp trên trực tiếp của người ra quyết định.

Trung thực trong báo cáo công việc và cung cấp thông tin với cấp trên; chủ động, sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, dự thảo nêu rõ: Không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cấp trên; chủ động đề xuất, kiến nghị, đóng góp ý kiến với cấp trên về biện pháp quản lý, điều hành.

Cán bộ, công chức, viên chức cũng cần tôn trọng lãnh đạo; cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cấp trên.

Về giao tiếp, ứng xử với cấp dưới, cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử, đạo đức, lối sống, công tác, giữ gìn đoàn kết nội bộ, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, chuyên nghiệp và thân thiện.

Tôn trọng, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề nghị chính đáng của cấp dưới; không quan liêu, hách dịch, coi thường cấp dưới.

Phân công nhiệm vụ cho cấp dưới rõ ràng, đúng người, đúng việc; không được chuyên quyền, độc đoán; thực hiện dân chủ, tôn trọng kinh nghiệm, tin tưởng, tạo điều kiện phát huy năng lực, sở trường, tính sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ.

Không chỉ đạo cấp dưới làm việc không đúng với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cán bộ, công chức, viên chức và của cơ quan, đơn vị.

Quốc Bảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gạc Ma: 35 năm, một tượng đài bất khuất

35 năm trước, ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/can-bo-cong-chuc-khong-uong-ruou-bia-trong-gio-nghi-trua-cac-ngay-lam-viec-d191434.html