Ngày 13/8, Hội đồng tiền lương quốc gia đã nhóm họp phiên thứ 3 để quyết định mức lương tối thiểu vùng năm 2019.
Kết quả bỏ phiếu cho thấy: 15/15 thành viên hội đồng thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 5,3 % so với mức lương tối thiểu năm 2018.
Đây là kết quả sau 2 lần xin dừng để hội ý của Tổng LĐLĐ VN và VCCI tại Phiên đàm phán sáng nay và 2 Phiên đàm phán trước đó.
Sau 3 phiên họp, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 201 là 5,3%. Ảnh: VGP/Thu Cúc.
Năm 2018 mức tăng lương tối thiểu vùng được đề xuất và chấp nhận ở mức là 6,5%, năm 2017 là 7,3%.
Trước đó, 2 phiên họp căng thẳng diễn ra trong tháng 7, các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia không thể tìm được tiếng nói chung khi thảo luận mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.
Từ khoảng cách 8% ở phiên thứ nhất, trong phiên thứ 2, phía đại diện cho chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhượng bộ từ không tăng đưa lên mức mức tăng 2%. Liên minh hợp tác xã đề xuất mức tăng 4%. Trong khi đó, đại diện cho người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vẫn giữ mức đề xuất 8%.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Doãn Mậu Diệp cho hay, quan điểm của Chính phủ là tạo cơ hội cho các bên thương lượng, từ đó đề ra các mức tăng xích lại gần nhau hơn. Tăng ở mức bao nhiêu không chỉ cần đảm bảo lợi ích các bên, mà còn cần đảm bảo cả các vấn đề quốc gia như việc làm, trật tự, an sinh xã hội.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII vừa ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW, theo đó từ nay đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, đáp ứng mức sống tối thiểu, nhấn mạnh tiền lương tối thiểu nhắm tới nhóm lao động có tiền lương thấp nhất trên thị trường và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như GDP, năng suất lao động, tiền lương trên thị trường lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp... để đưa vào thương lượng tiền lương. Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, tinh thần cải cách tiền lương tiến tới Nhà nước sẽ không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp, thúc đẩy cơ chế thương lượng.
Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, việc đàm phán mức tăng trong phiên thứ 3, tình hình không còn căng thẳng đối đầu như ở các phiên trước.
Còn ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI cho rằng, nguyên tắc của Hội đồng tiền lương quốc gia là phải có sự đồng thuận, chắc chắn VCCI sẽ có sự điều chỉnh tăng lên cho phù hợp để hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn.
Theo bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết trong phiên thứ 2, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới chỉ dừng lại ở việc phân tích tình hình kinh tế, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là 6 tháng đầu năm. Bức tranh kinh tế tương đối khả quan. Tuy nhiên, Hội đồng cũng nhận thấy những thách thức của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm là rất lớn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm đã sắp đạt 4%, sát với mục tiêu của Quốc hội.
Bà Minh bày tỏ: “Nếu tiền lương tăng được vài đồng, nhưng giá cả hàng hóa tăng thì việc tăng lương không còn ý nghĩa với người lao động. Việc tăng lương cần cải thiện được đời sống, giữ được việc làm cho người lao động. Điều này cũng có nghĩa là cần hài hòa với khả năng chi trả của doanh nghiệp để tạo ra việc làm ổn định.
Theo chinhphu.vn/hoanhap.vn