Trong giai đoạn đầu của dịch, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 22-1. Sau 21 ngày, đến ngày 11-2, Việt Nam ghi nhận 16 ca và toàn bộ các ca này đã được chữa khỏi. Bước sang giai đoạn 2, tính từ ca bệnh thứ 17 vào ngày 6-3 cho đến ngày 19-3, cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy, thời gian từ 1 ca lên đến 100 ca của Việt Nam là 57 ngày. Kể từ mốc 100 ca, sau 7 ngày, nước ta đã ghi nhận ca thứ 171 và sau 10 ngày tăng lên ca thứ 222. Còn trung bình tại các nước trên thế giới, tính mốc từ 100 ca mắc Covid-19 lên đến 1.000 ca trong khoảng thời gian từ 7 đến 9 ngày. Riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày. Điều đó cho thấy, số ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới.
Thế nhưng, hiện Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của dịch với nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao. Đặc biệt, hiện tại 2 ổ dịch lớn của cả nước là quán bar Buddha (thành phố Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Bạch Mai chưa xác định được nguồn lây, chưa xác định được F0. Từng tham gia trực tiếp chỉ đạo tại dịch SARS tại Việt Nam năm 2003, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, chúng ta đang bị mất dấu F0, không tìm ra nguồn lây từ đâu. Không biết ai đang mang mầm bệnh, đồng nghĩa với việc bất cứ ai cũng có thể bị lây bệnh. Vì vậy, những nơi tập trung đông người, như: Chợ, siêu thị, trại giam, trại cải tạo, nhà dưỡng lão, bệnh viện... cần phải đặc biệt quan tâm.
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, 80% số ca mắc Covid-19 là nhẹ, không có các biểu hiện bệnh, khoảng 20% còn lại có dấu hiệu mạnh. Thậm chí, ngay tại nước ta có những trường hợp được phát hiện dương tính với Covid-19, nhưng khi nhập viện lại không có biểu hiện triệu chứng. Do đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khi F0 ẩn trong cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 ở nơi đông người là rất cao, nhất là trong không gian chật hẹp.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong hai tuần tới là thời điểm quan trọng để ngăn chặn dịch Covid-19 tại nước ta. Do đó, việc thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là vô cùng quan trọng. Bản chất cách ly xã hội có nghĩa là giãn cách xã hội. Người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và phải thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn dịch tễ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đó là cần giữ khoảng cách giữa người với người, tối thiểu 2m, đeo khẩu trang đúng cách.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nếu mọi người thực hiện được tự cách ly tại nhà, thì sẽ hạn chế tối đa sự lây lan của dịch Covid-19. Bởi, vi rút chỉ lan truyền khi tiếp xúc gần với người bệnh và bản thân vi rút không tồn tại lâu trong không khí. Do đó, sự cách ly các cá thể làm cho vi rút hết đường lan truyền, nó tự phải chết đi và như vậy sẽ tự hết dịch trong cộng đồng. Về nguyên tắc, khi vi rút ra khỏi cơ thể người (cơ thể vật chủ) sẽ chết nhanh. Vi rút chỉ sống và sinh sôi nảy nở mạnh ở trong cơ thể người.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, việc hạn chế đi lại, tụ tập nơi đông người rất quan trọng. Đặc biệt, việc một người nhận thức được mình có khả năng mắc Covid-19 biết tự cách ly, phòng ngừa sẽ hạn chế rất tốt việc lây nhiễm ra ngoài môi trường. Vi rút SARS-CoV-2 chỉ lây từ người sang người, nếu ngăn chặn được nguồn đó, những người xung quanh không thể lây nhiễm. Thêm vào đó, khi người dân nâng cao ý thức, dịch bệnh lây lan chậm, được kiểm soát tốt, các y, bác sĩ sẽ có đủ thời gian để chăm sóc cho bệnh nhân, nhất là trường hợp nặng. Khi quá nhiều người mắc bệnh trong cùng một thời điểm, bệnh viện quá tải, đồng nghĩa ca bệnh nặng cũng tăng lên, việc chăm sóc và điều trị sẽ khó khăn hơn.