Việt Nam đang nỗ lực dập dịch.
Kinh tế toàn cầu, vốn trước đó bị thương tổn do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, có nhiều khả năng rơi vào khủng hoảng trầm trọng do đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, rất khó lường, tác động cực kỳ xấu đến mọi hoạt động của cả loài người.
Đối với nước ta, các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, Việt Nam chịu tác động cú sốc ban đầu về nguồn cung, tiếp theo là các tác động giảm mạnh về cầu hiện vẫn đang diễn ra tại các quốc gia là đối tác thương mại và đầu tư chính của Việt Nam. Hiện nay, các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có nước ta, song song với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp “chống dịch như chống giặc” đang gồng mình “cứu kinh tế”.
Ngay từ đầu công bố dịch, Chính phủ đã xác định tính mạng con người là trên hết, chúng ta đã làm rất tốt, không có ai tử vong. Tuy nhiên cứu kinh tế cũng chính là cứu cuộc sống con người. Sớm, muộn dịch Covid-19 sẽ qua đi, cuộc sống con người vẫn tồn tại mãi mãi. Tiếp sức, tạo động lực cho kinh tế chính là vì cuộc sống.
Đại dịch Covid-19 là thử thách khắc nghiệt. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tô điểm cho bản lĩnh, khí chất của con người Việt Nam. Tinh thần này đã thể hiện không thể tuyệt vời hơn thời gian vừa qua. Để “cứu kinh tế”, không chỉ trông chờ vào các giải pháp, gói hỗ trợ của Chính phủ, làm văn bản, tờ trình tới Chính phủ xin giúp đỡ mà rõ ràng, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, kể cả khu vực kinh tế nhà nước đến tư nhân phải hết sức năng động, sáng tạo.
Có thể đó là đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm (như Long Thành); ngành Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn phải giải quyết, bảo đảm chính sách an sinh và ổn định xã hội về giá điện, giá thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu, chiến lược khác. Các địa phương không được hiểu sai về chống dịch dẫn đến “ngăn sông cấm chợ”, cản trở sản xuất, thương mại.
Vừa qua, Thường trực Chính phủ đã quyết định trình Quốc hội chủ trương chuyển các dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công trong kỳ họp tháng 5/2020 nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Đây cũng là giải pháp đẩy mạnh đầu tư công nhằm “tiếp sức” trong bối cảnh dịch covid-19 đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
ADB nhận định nếu khống chế được dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ hồi phục trở lại mức 6,8% vào năm 2021 và duy trì mạnh mẽ trong trung và dài hạn. Điều này chỉ có được nhờ các giải pháp chống dịch Covid-19 hiệu quả, cũng như điều hành kinh tế của Chính phủ mà còn phụ thuộc vào sự chung tay, sáng tạo của cả hệ thống.