Trong đó, giá trị cốt lõi về triết lý nhân sinh quan là con người hướng đến “chân, thiện, mỹ”, “từ, bi, hỷ, xả” “vô thường, vô ngã vị tha”, cứu khổ cứu nạn, để sống tốt đời đẹp đạo… Những tư tưởng của Phật giáo là một trong những tư tưởng văn hóa thấm nhuần đến quá trình hình thành tư tưởng nhân văn của Bác…
“Bác Hồ là Bồ Tát, là vị La hán, bởi vì Người đã dành tất cả cho mọi người, không giữ gì riêng cho mình cả. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ như đóa sen giữa rừng hoa dân tộc Việt Nam, hội tụ đức tài của đất nước” (Báo Nhân Dân ngày 22/1/1997).
4 lần Bác khoác áo cà sa
Theo sử sách ghi lại, trên đất Thái Lan những năm cuối thập niên 1920, để tránh sự truy lùng gắt gao của mật thám Pháp, Bác Hồ đã hóa thân vào nhiều “vai” khác nhau, có khi là người gánh gạch, đào giếng, có khi lại khoác lên mình tấm áo cà sa, vào chùa đi tu…
Thời điểm năm 1927, phong trào chống cộng ở Thái Lan diễn ra khốc liệt. Cảnh sát Thái bắt tất cả những người hoạt động cộng sản của Đông Dương trao lại cho Pháp. Trong bối cảnh đó, tất cả các tổ chức cộng sản đều phải hoạt động bí mật.
Bác Hồ khất thực trên đất Thái những năm Bác ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu.
Tháng 7/1928, trên chiếc tàu thủy Nhật Bản, Bác Hồ đặt chân tới Băng-cốc, trong vai người buôn Hoa kiều với giấy nhập cảnh mang tên Nguyễn Lai. Theo ông Ngô Vĩnh Bao, kiều bào Thái Lan, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu về giai đoạn Bác Hồ ở Thái Lan: “Thời gian đó, Việt kiều bị cảnh sát Thái khủng bố rất mạnh, còn Hoa kiều ít bị để ý hơn, nên Bác mới đóng vai nhà buôn Hoa kiều”.
Thầu Chín nhanh chóng hòa mình với kiều bào, cũng đi chân đất, cũng quần áo nâu sồng. Người làm đủ các thứ việc như mọi người, từ làm vườn, trồng cây, đào giếng, gánh gạch, lấy củi, đi cày. Một lần, khi Bác trong vai người gách gạch để xây chùa Vắt-phô-thi-xổm-phon, bọn mật thám đánh hơi thấy và cho quân đến bao vây ngôi chùa này.
Nhưng vị sư cả của chùa không cho vào, vì ông cho rằng ở đây không có người xấu, chỉ có người theo Đức Phật. Không ai có quyền vào đây khám xét. Nên bọn chúng không vào được chùa và không bắt được Bác...
Khoảng tháng 7/1929, Bác quay lại Băng-cốc. Người ẩn danh đi tu tại một ngôi chùa Việt có tên Thái là Lô-ca-nu-khó. 4 tháng xuống tóc, khoác áo cà sa, ăn chay niệm Phật. Cứ mỗi sớm Bác Hồ cùng các vị sư chính trong vùng đi khất thực. Chuyện kể rằng có lần dọc đường từ Na-khon Pha-nôm xuống Mục-đa-hán, một tốp cảnh sát Anh và cảnh sát Thái đang truy bắt Nguyễn Ái Quốc theo đề nghị của cảnh sát Pháp.
Khi gặp các sư đi khất thực, tốp cảnh sát ấy không hề biết Nguyễn Ái Quốc cũng là một nhà sư, nên chắp tay cúi chào “sư phụ” theo luật tục người Thái. Bác đã thoát hiểm trong gang tấc. Hôm sau, Người cùng một số đồng chí băng núi vượt rừng trở lại Quảng Châu (Trung Quốc)...
Thượng tọa Thích Huệ Đăng, một nhà sư, một nhà khoa học được xác lập những kỉ lục thế giới về khoa học kĩ thuật nhận định: “Ngài là Đại Bồ Tát Hồ Chí Minh. Hàng ngày tôi vẫn hai lần nói chuyện với Ngài.
Buổi sáng trước khi đi làm, tôi trình bày với ngài rằng, hôm nay tôi phải làm việc gì và nếu có khó khăn tôi cũng sẽ trình bày với Ngài! Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi cũng lại báo cáo với Ngài ngày hôm nay tôi đã làm được những việc gì. Và đã hàng chục năm nay, nếu như đi xa thì thôi, còn nếu ở nhà, không bao giờ tôi bỏ việc nói chuyện với Ngài như vậy”…
Theo Thượng tọa Thích Huệ Đăng: “Khi tìm hiểu tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Phật pháp và con đường đi cứu dân, cứu nước, giành độc lập cho dân tộc của Người, chính là con đường của Người cũng là đi theo chân lý của Đức Phật.
Người là một vị Đại Bồ Tát tái sinh, đã nhập thế, từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, từ bỏ cuộc sống đang yên bình để dấn thân vào con đường mịt mù chông gai, gian khổ, từ đó tìm ra con đường giành độc lập cho dân tộc. Điều này giống Phật Thích Ca Mâu Ni từ bỏ cung vàng điện ngọc, ngai vàng, vợ đẹp con ngoan, đi tu hành tìm ra chân lý cứu độ chúng sinh.
Đã có nhiều người cho rằng, Ngài mang bát đi khất thực ở Thái Lan đó là cách che mắt mật thám, thật ra không phải như vậy. Đi khất thực ngoài ý nghĩa nhận sự cúng dường của chúng sinh còn là một hình thức tu thiền, đi để cảm nhận được cuộc sống vất vả lầm than, đi để mà suy ngẫm về số phận của chúng sinh.
Bác Hồ với thiếu nhi.
Nhà sư đi khất thực chỉ được đi theo một con đường luôn hướng về phía trước và không được quay ngược trở lại, đây chính là ý nghĩa đích thực của việc đi khất thực. Cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đã lên tàu bôn ba năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, đã đi sẽ không quay trở lại, mà chỉ về khi đã tìm ra chân lý”…
Người thấm nhuần tư tưởng hỉ sả của đạo Phật
Theo Thượng tọa Thích Huệ Đăng, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh chúng ta thấy có nhiều nét tương đồng với các tư tưởng lớn của Phật giáo. Đó là: Tư tưởng hy sinh cho nhân loại và chúng sinh; Tư tưởng vì con người, lo cho con người: Tư tưởng sống thanh bạch, giản dị, tránh xa hoa lãng phí; Tư tưởng chống chủ nghĩa cá nhân, chống thói hư tật xấu tha hóa về đạo đức; Chủ tịch Hồ Chí Minh là người suốt đời cống hiến cho nhân dân Việt Nam.
Người bộc bạch: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng từ bi hỉ xả của Phật giáo. Khi nhìn thấy một tù binh Pháp bị thương đang run lên vì gió rét, Người đã không ngần ngại cởi ngay tấm áo đang mặc khoác lên người tù binh trước con mắt ngạc nhiên và cảm phục đến thẫn thờ của hàng nghìn tù binh Pháp trong trận Điện Biên Phủ.
Và trên bình diện tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều mặt gần gũi, gặp gỡ với giáo lý Phật giáo. Cốt tủy của Phật giáo là từ bi hỉ xả, vô ngã vị tha, cứu khổ cứu nạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”. Người khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của cách mạng.
“Dân” là chỉ mọi người con đất Việt, đều là con Rồng cháu Tiên, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, già hay trẻ..: “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phụng sự nhân dân thì ta đoàn kết với họ”. Người khuyên: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh” và khẳng định: “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”.
Theo Người, muốn đoàn kết thì phải biết “Cầu đồng tồn dị”: Lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt; kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết của dân tộc; phải khoan dung, độ lượng với con người.
Người nhấn mạnh, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; là tự do, dân chủ, bình đẳng; đó chính là ngọn cờ đoàn kết, là nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam. Chính nguyên tắc đó đã thu hút, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo nên sức mạnh vĩ đại chiến thắng hai đế quốc Pháp, Mỹ.
Là người có lòng tôn kính Phật đến vô biên, kính trọng tăng, ni, Người đã cho trùng tu lại những ngôi chùa, bắc cầu để các quý tăng, ni đi lại dễ dàng. Trong những năm bận rộn chiến tranh, Bác vẫn dành thời gian đến thăm các chùa và nói chuyện với các tăng, ni.
Khi bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn có một tấm lòng kính mộ sâu sắc và cảm động đối với Đức Phật Thích Ca, người sáng lập ra đạo Phật, cũng như đối với tất cả các vị sáng lập những tôn giáo lớn. Người đã cảm nhận ở các vị giáo chủ này trước hết là lòng thương cảm sâu sắc đối với số phận của những chúng sinh và thiết tha làm sao giảm nhẹ, hoặc xóa bỏ những nỗi đau khổ của con người trên trái đất.
Năm 1941, ngay khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong điều kiện hết sức khó khăn giữa núi rừng Pắc Bó, Nguyễn Ái Quốc đã vẽ ảnh Phật treo trên vách đá để quần chúng có nơi chiêm ngưỡng vào những dịp lễ, Tết…
Theo Pháp luật Plus