Công ty Hoàng Phúc Quốc Tế phát hành trái phiếu nợ gấp gần 20 lần vốn chủ sở hữu

09/04/2023 14:09

Kinhte&Xahoi Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế đang có khoản nợ phải trả cao gấp 19,66 lần vốn chủ sở hữu, tương đương khoảng hơn 450 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế (Hoang Phuc International) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo đó, năm 2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,87 tỷ đồng, giảm tới 83% so với mức lãi 11 tỷ đồng đạt được năm 2021. Tỷ lệ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp theo đó giảm từ 98,35% còn 8,12%.

Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế đạt hơn 23 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 16,68 lần lên 19,66 lần. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu tăng từ 0 lên 0,48 lần.

Được biết, tháng 6/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế đã phát hành thành công lô trái phiếu với trị giá 11 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng. Ngày đáo hạn là 3/6/2024.

Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, được đảm bảo bằng 6,3 triệu cổ phần thuộc sở hữu của ông Bùi Văn Phúc - Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp đứng vai trò đăng ký và lưu ký trái phiếu này là Công ty Cổ phần Chứng khoán APG (APG).

Với lô trái phiếu này, ngoài thông tin liên quan giá trị, kỳ hạn và tài sản đảm bảo, HNX không công bố thông tin về lãi suất trái phiếu, nhà đầu tư nắm giữ hay mục đích phát hành trái phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế được thành lập vào năm 1989, doanh nghiệp được biết đến là nhà bán lẻ, chuyên phân phối các sản phẩm hàng hiệu như Kappa, Ecko Unltd, Superga, Replay, Staple,... các thương hiệu thời trang của công ty hướng đến đối tượng có thu nhập khá trở lên nên giá bán khá cao.

Ảnh minh họa

Chuỗi bán đồ của Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế dành cho cả nam, nữ và trẻ em được bán tại hệ thống gần 50 cửa hàng khắp cả nước. Các cửa hàng thường nằm ngay góc ngã tư tại các thành phố lớn như TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội..

Tương tự như Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường mới đây cũng công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022 cho thấy hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao chót vót.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường đạt hơn 33,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 98,7 tỷ đồng. Trong khi đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 118,77 lần. Như vậy, ước tính nợ phải trả của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường ở mức khoảng 4.000 tỷ đồng.

Năm 2022, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường ghi nhận lỗ sau thuế 267,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ 298 tỷ đồng ở kỳ trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường là âm 790,59%.

Theo báo cáo, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2022 của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường ở mức 41,39 lần.

Các chuyên gia tài chính đánh giá, việc nợ phải trả chiếm phần lớn nghĩa là nguồn vốn hoạt động của doanh nghiệp hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.

Mặt khác, một doanh nghiệp mà nợ phải trả cao gấp hàng trăm lần vốn chủ sở hữu nghĩa là công ty đang mất cân đối tài chính nghiêm trọng, sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, trong cấu trúc doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.

Được biết, cuối năm 2022, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường đã phát hành lô trái phiếu mã HTCH2024001, giá trị là 1.400 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu là 48 tháng, đáo hạn vào ngày 21/12/2024, thời hạn trả lãi là 6 tháng.

Nhà đầu tư mua lô trái phiếu trên 100% là tổ chức trong nước. Trong đó, công ty chứng khoán chiếm 52,1% và các tổ chức khác là 47,9%.

Ngày 16/3 vừa qua, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường đã công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu của lô trái phiếu trên. Cụ thể, trong ngày 5/1/2022 và ngày 5/7/2022, doanh nghiệp này đã chi hơn 197 tỷ đồng để thanh toán lãi cho lô trái phiếu HTCH2024001.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường được thành lập ngày 25/4/2014, đăng ký địa chỉ tại số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM và có quy mô vốn điều lệ là 100 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật và cũng là chủ của doanh nghiệp này là ông Nguyễn Công Hoàn (SN 1989).

Ở thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường chuyển trụ sở chính tại tầng 7, tòa nhà 362 Phố Huế, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng Giám đốc công ty là bà Nguyễn Thị Trâm Anh.

Trước đó, tháng 6/2019, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường cũng đã phát hành lô trái phiếu mã HTL1924001, trị giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, thời điểm đáo hạn là tháng 6/2024. Tuy nhiên, tháng 10/2021, doanh nghiệp đã mua lại toàn bộ lô trái phiếu này.

 Thời gian qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có nhiều bài viết mang tính cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó đã thông tin việc có nhiều doanh nghiệp đã liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp với số tiền lên tới hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng.

Mặt khác, từ nhiều năm nay, Bộ Tài chính cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai trên 30 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.

Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả đối với nhiều đơn vị, thậm chí có vụ việc đã có dấu hiệu hình sự và cơ quan chức năng đã khởi tố như vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.

Thực tế, thời gian qua cũng đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp đã không thể thanh toán tiền gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Trong đó, các công ty đều trong tình trạng mất cân đối tài chính, đặc biệt là việc nợ vượt vốn chủ sở hữu.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần FiinRatings dự báo thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu. Tuy nhiên, FiinRatings cũng kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa khi Nghị định 08 của Chính phủ cho phép gia hạn nợ vừa được thông qua.

Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gạc Ma: 35 năm, một tượng đài bất khuất

35 năm trước, ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/cong-ty-hoang-phuc-quoc-te-phat-hanh-trai-phieu-no-gap-gan-20-lan-von-chu-so-huu-221316.html