Liên quan đến việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tối 28/8, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, được xác định là tội phạm theo quy định tại điều 337 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Luật sư Quách Thành Lực.
Theo đó, người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của bộ luật này (tội gián điệp) thì bị phạt tù từ 2 năm đến 15 năm.
Luật sư Quách Thành Lực cho biết, bí mật Nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định căn cứ vào quy định của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật Nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.
Phạm vi bí mật Nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc trong các lĩnh vực sau: Chính trị; quốc phòng, an ninh, cơ yếu; lập hiến, lập pháp, tư pháp - hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước; khởi tố, điều tra, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án hình sự; đối ngoại.
Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật.
Theo đó, bí mật Nhà nước độ tuyệt mật là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bí mật Nhà nước độ tối mật là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bí mật Nhà nước độ mật là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bộ Công an bắt giam Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Trước đó, chiều ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa) để điều tra về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” theo quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi sai phạm của các bị can trong vụ án.
Trước đấy, Thủ tướng quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Đức Chung để xác minh, điều tra làm rõ trách nhiệm có liên quan của ông trong một số vụ án theo quy định pháp luật. Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 90 ngày.
Cùng ngày, Bộ Chính trị quyết định đình chỉ sinh hoạt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đối với ông Chung.
Theo đại diện Bộ Công an, ông Chung được xác định liên quan đến ba vụ án mà cơ quan công an đang điều tra.
Vụ thứ nhất là buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Sở KH&ĐT Hà Nội và một số đơn vị liên quan.
Trong vụ án này, cơ quan công an đã khởi tố tổng cộng 28 bị can. Trong đó, Bùi Quang Huy, tổng giám đốc công ty Nhật Cường đang bị truy nã đỏ với hàng loạt tội danh khác nhau. Nhiều quan chức và cựu quan chức của Hà Nội cũng vướng vòng lao lý.
Vụ thứ hai là vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại TP Hà Nội. Ngày 20-8 vừa qua, Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Võ Tiến Hùng, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, về tội danh trên.
Được biết, hành vi sai phạm của ông Hùng có liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn TP Hà Nội.
Vụ thứ ba là chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước vừa được Cơ quan ANĐT Bộ Công an khởi tố mới đây. Ở vụ án này, ba bị can bị khởi tố, bắt giam gồm Nguyễn Hoàng Trung (lái xe riêng của ông Nguyễn Đức Chung), Nguyễn Anh Ngọc (Phó trưởng Phòng thư ký biên tập thuộc Văn phòng UBND TP Hà Nội) và Phạm Quang Dũng (cán bộ Cục C03, Bộ Công an).
Ông Chung sinh năm 1967, quê xã Thăng Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ông tốt nghiệp Đại học Cảnh sát (chuyên ngành điều tra tội phạm); Đại học Thương mại (ngành Quản trị kinh doanh), là Tiến sĩ Luật.Năm 1990 ông về công tác tại Công an TP Hà Nội.
Đến năm 2011 ông là Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội kiêm Trưởng phòng Cảnh sát hình sự. Tháng 9-2012, ông là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Năm 2013, ông được thăng cấp hàm Thiếu tướng.Đến năm 2015 ông là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho đến nay. |
Quốc Bảo - Pháp luật Plus