Đại biểu Quốc hội đếm số từ “đổi mới sáng tạo” trong văn kiện Đại hội Đảng
Kinhte&Xahoi
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền cho biết, trong dự thảo Báo cáo chính trị có 14 lần sử dụng cụm từ “đổi mới sáng tạo”. Đại biểu mong đổi mới sáng tạo được áp dụng trước tiên với việc xây dựng thể chế.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền tại nghị trường.
Góp ý kiến về dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam) bày tỏ sự nhất trí cao với mục tiêu, tầm nhìn, định hướng và lộ trình phát triển qua các năm 2025, 2030, 2045 để “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” được nhấn mạnh tại trang đầu và cụ thể hóa tại trang 24 dự thảo.
Theo đại biểu Hiền, so với dự thảo lấy ý kiến tại Đại hội các cấp, mục tiêu phát triển đất nước đã được chỉnh lý cô đọng hơn, dứt khoát hơn, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và niềm tin về tương lai của đất nước, dân tộc.
Bà Hiền cũng cho rằng với việc đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, văn kiện Đại hội XIII sẽ có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng đối với tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới trong chặng đường 25 năm tới.
Nhìn lại 35 năm trước, Đại hội VI mở ra chặng đường đầu tiên của sự nghiệp đổi mới, được ghi trong văn kiện là “bước quá độ nhỏ trong bước quá độ lớn” với mục tiêu “xây dựng những tiền đề chính trị, kinh tế, xã hội cần thiết để triển khai công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trên quy mô lớn”.
Đến Đại hội VII, Cương lĩnh năm 1991 tiếp tục nhấn mạnh và làm rõ hơn “Mục tiêu của chặng đường đầu là: thông qua đổi mới toàn diện, xã hội đạt tới trạng thái ổn định vững chắc, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau”.
“Từ những tư tưởng đó, trên cơ sở nghiên cứu những phân tích, đánh giá rất cụ thể về thành tựu to lớn của đất nước sau 35 năm đổi mới, tôi cho rằng việc hoạch định mục tiêu phát triển đất nước theo lộ trình cụ thể, với tầm nhìn đến 2045 càng khẳng định tầm quan trọng của văn kiện Đại hội XIII với ý nghĩa là định hướng chiến lược cho chặng đường đổi mới, mà yêu cầu trung tâm của giai đoạn này là “phát triển nhanh và bền vững” - đại biểu Hiền phát biểu.
Sau những nhận xét trên, vị đại biểu Hà Nam góp ý, với bối cảnh, tiềm lực của đất nước hiện nay, để phát triển đảm bảo cả yêu cầu nhanh và bền vững thì yếu tố then chốt là phải dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo.
Cần phải coi đổi mới sáng tạo như là đặc trưng của giai đoạn tới, nó đòi hỏi sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, chấp nhận những mô hình, cách làm đột phá, thậm chí dị biệt nhưng mang lại hiệu quả hơn, nữ đại biểu nêu quan điểm.
Vẫn theo vị đại biểu của đoàn Hà Nam thì đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thực hiện các chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực khoa học công nghệ…
Nêu cụ thể là trong dự thảo Báo cáo chính trị có tới 14 lần sử dụng cụm từ “đổi mới sáng tạo” trên nhiều phương diện khác nhau, và tại nội dung của 3 đột phá chiến lược thì đổi mới sáng tạo được nêu trong đột phá chiến lược thứ hai về nguồn nhân lực, bà Hiền góp ý: “Tôi cho rằng, vấn đề đổi mới sáng tạo rất cần được nêu thành một yêu cầu ngay trong đột phá thứ nhất về hoàn thiện thể chế, vì đổi mới sáng tạo là yêu cầu bao trùm lên mọi lĩnh vực, mà trước hết là đổi mới sáng tạo năng lực quản trị quốc gia bằng thể chế, bằng hệ thống pháp luật cởi mở, là “bà đỡ”, là “bệ phóng” cho các ý tưởng sản xuất, kinh doanh có tính vượt trước”.
Từ đó, đề nghị của đại biểu là bổ sung và sửa đoạn cuối tại trang 62 dự thảo Báo cáo chính trị như sau: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; tạo lập khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực”.
Thái Anh - Theo Dân Trí/ Pháp luật Plus