Dân nhậu rủ nhau mua áo, nón xe ôm để “né” đo nồng độ cồn

03/01/2020 15:45

Kinhte&Xahoi Trên mạng xã hội hai ngày gần đây, nhiều dòng trạng thái như: “Các ngài đã sắm cho mình một bộ đồ Grab, Be, Go-Viet để đi nhậu xong mặc về chưa” hay “Mua đồ chạy Grab đi nhậu anh em ơi” hoặc “Từ nay, sau khi nhậu tôi sẽ thành một người chạy xe ôm”…

Động thái này xuất hiện sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Những trạng thái "rủ rê" nhau mua quần áo xe ôm công nghệ được đăng tải trên mạng xã hội.

Cụ thể, đối với người điều khiển xe mô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng. Người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng nếu nồng độ cồn ở mức cao nhất.

Anh Nguyễn Minh Hưng (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, lên mạng thấy bạn bè kêu gọi mua áo, nón xe ôm công nghệ anh cũng thấy thú vị. Anh đang dự tính mua áo khoác và nón xe ôm để dùng.

“Mình đi nhậu, uống vài chai rồi về. Mặc quần áo xe ôm thì đỡ bị để ý hơn. Nhưng nếu bị kiểm tra và xử phạt thì mình cũng vui vẻ chấp hành thôi”, anh Hưng nói.

Combo áo, nón có giá vài trăm ngàn đồng.

Theo ghi nhận của Dân trí, quần áo xe ôm công nghệ được bày bán tràn lan trên mạng. Combo 1 áo khoác Grab, 2 nón Grab đang được bán với giá 265.000 đồng/combo. Combo 1 áo khoác Go-Viet, 2 nón Go-Viet có giá 320.000 đồng giảm còn 295.000 đồng/combo.

Tuy nhiên, việc mua bán áo, nón xe ôm công nghệ đang diễn ra không đúng theo quy định, chính sách của các hãng gọi xe.

Đại diện một số hãng gọi xe công nghệ cho biết, các hãng xe đều có quy trình tuyển chọn đối tác chặt chẽ và nghiêm túc. Chỉ những đối tác có nhân thân rõ ràng, đầy đủ hồ sơ, đạt yêu cầu với bài kiểm tra về kiến thức, kĩ năng phục vụ khách hàng mới có thể tham gia hợp tác cùng các hãng gọi xe.

Trong suốt quá trình hợp tác, đối tác tài xế xe ôm mua đồng phục và chỉ được sử dụng đồng phục này trong các chuyến xe được thực hiện trên nền tảng ứng dụng của hãng.

“Theo như thỏa thuận, khi ngưng hợp tác, đối tác cần hoàn trả đồng phục cho chúng tôi và sẽ được thanh toán lại 50% chi phí mua đồng phục khi thanh lí hợp đồng. Hơn hết, chúng không hợp tác với bất kì đơn vị nào khác để triển khai bán riêng lẻ đồng phục của hãng", đại diện một hãng gọi xe chia sẻ.

Đại diện hãng xe nói trên cũng khẳng định, đơn vị này sẽ tích cực đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lí triệt để tình trạng buôn bán đồng phục và giả mạo đồng phục của hãng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Từ rác thải nhựa hoá thân thành ROBOT

Để làm được một chú robot hoàn chỉnh cần rất nhiều nguyên vật liệu với những tiêu chuẩn chọn lọc khác nhau. Đặc biệt hơn những nguyên liệu ấy lại là những phế phẩm như: vỏ chiếc xe máy, ô tô cũ, hay những con ốc và vi mạch. Những thứ tưởng chừng như bỏ đi ấy bỏ đi ấy lại được các thành viên trong xưởng sáng chế tận dụng một cách tối đa.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/the-gioi-facebook/dan-nhau-ru-nhau-mua-ao-non-xe-om-de-ne-do-nong-do-con-d114438.html