Chị Lê Thị Phương Nga - Hội Chữ thập đỏ phường 4 (Q.Tân Bình, TP.HCM) - lập hồ sơ cho bà Nguyễn Thị Thành theo chương trình hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng của TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung vào hỗ trợ với người lao động giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Cơ quan quản lý, chính quyền địa phương xác định đúng đối tượng đảm bảo công khai, minh bạch.
Đồng thời Chính phủ sẽ tập trung lo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động, công nhân thất nghiệp không có việc làm, người nghèo; chuẩn bị điều kiện cho phát triển kinh tế, kích hoạt nền kinh tế khi kết thúc đại dịch, có phương án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tiếp tục tìm nguồn lực, thị trường làm nền tảng phát triển thời gian tới.
Tổng số khoản hỗ trợ từ ngân sách trung ương và kêu gọi từ nguồn khác là 61.580 tỉ đồng (2,6 tỉ USD). Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 35.880 tỉ đồng.
Gói an sinh xã hội cho 6 đối tượng
1. Hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng trong tháng 4, 5, 6 cho người có công đang hưởng trợ cấp, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
2. Hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong tháng 4, 5, 6 cho các đối tượng hộ nghèo (984.000 hộ), cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia theo danh sách đến ngày 31-12-2019.
3. Hỗ trợ 1,8 triệu đồng người/ tháng cho người lao động tạm dừng lao động, nghỉ không lương do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang làm việc tại các doanh nghiệp.
4. Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, tối đa thời hạn 12 tháng để hỗ trợ 50% mức lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động và có trách nhiệm trả phần tiền lương còn lại cho người lao động.
5. Hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu sẽ được nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong tháng 4, 5, 6.
6. Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng cho người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có cam kết hợp đồng lao động và bị mất việc làm.
Đề xuất giảm 10% giá điện trong 3 tháng
Cùng với gói hỗ trợ an sinh xã hội, nhiều bộ ngành cũng đưa ra những đề xuất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề xuất triển khai gói hỗ trợ giảm giá điện lên tới gần 11.000 tỉ đồng, với mức hỗ trợ được cao nhất lên tới 10% cho tất cả các đối tượng.
Cụ thể, nếu được hỗ trợ, các khách hàng sản xuất kinh doanh được giảm giá điện khoảng 6.104 tỉ đồng. Với khách hàng dịch vụ du lịch, mức giảm bằng với giá sản xuất, tương ứng số tiền 1.840 tỉ đồng. Đối với khách hàng sinh hoạt, đề xuất giảm giá 10% đối với các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4.
Với bậc thang cao trên 300 kWh, bộ đề xuất giữ nguyên vì các khách hàng tiêu thụ ở bậc này là những người có thu nhập cao, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, số tiền hỗ trợ khách hàng sinh hoạt sẽ được hưởng là 2.930 tỉ đồng.
Một lãnh đạo EVN cho biết sau khi Thủ tướng quyết định phương án thực hiện cụ thể, EVN sẽ khẩn trương triển khai. Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh khó khăn về cung cấp điện, đặc biệt do lượng nước các hồ thủy điện thiếu hụt lớn, EVN cũng sẽ phấn đấu tiết kiệm tối đa chi phí trong sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng.
Ngoài giá điện, Thủ tướng cũng yêu cầu phải giảm giá các dịch vụ hàng hóa thiết yếu khác. Đồng thời với gói tài chính, tiền tệ, hiện các ngân hàng đã triển khai giãn, hoãn nợ, giảm lãi suất, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước không chỉ triển khai gói 250.000 tỉ đồng mà phải lớn hơn. Khuyến khích gói tài khóa thông qua giảm thuế, phí, tăng chi tiêu công… không chỉ dừng lại ở 30.000 tỉ đồng mà phải nâng lên 150.000 tỉ đồng để tăng hỗ trợ.
Để tạo nền tảng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục nhất quán quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định giá trị đồng tiền, đặc biệt chú trọng quản lý thị trường ngoại hối, tiền tệ, không để biến động, kiên quyết giảm giá thịt heo, không tăng giá dịch vụ thiết yếu, miễn giảm chi phí hành chính để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân…
Những phần cơm nghĩa tình đến với người lao động có hoàn cảnh khó khăn sáng 1-4, tại quận 10, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH
Đề xuất giãn nộp bảo hiểm hưu trí, tử tuất
Về quy định doanh nghiệp được giãn thời gian đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất do dịch COVID-19, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-4, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết Bảo hiểm xã hội cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đề xuất Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép giãn cách với doanh nghiệp phải cắt giảm từ 40% lao động.
"Luật BHXH quy định chỉ giãn thời gian đóng bảo hiểm với doanh nghiệp phải cắt giảm từ 50% lao động. Chúng tôi rất hiểu tình hình khó khăn của doanh nghiệp và cũng đang xem xét đề nghị thêm, cùng các doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn" - ông Liệu nói.
Trong khi đó, ông Phạm Trường Giang - vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết đang đề xuất với Chính phủ gói hỗ trợ tổng thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, trong đó có chính sách BHXH với đề xuất nới lỏng quy định về tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất.
Lao động phải tạm ngừng việc cũng được tính vào tỉ lệ không thuộc diện tham gia BHXH để xét duyệt việc tạm dừng đóng quỹ cho thuận lợi, phù hợp hơn với bối cảnh thực tiễn.