Làm việc trực tuyến đã mở ra một hướng mới trong mô hình tổ chức doanh nghiệp.
“Ngồi yên” mà vẫn hoàn thành công việc
Là chuyên viên quản lý dự án Phòng Đầu tư và Phát triển - Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hà Nội tourist), công việc của anh Ngô Minh Tuấn là giám sát các dự án đầu tư. Từ giữa tháng 3-2020, khi Hà Nội tourist bắt đầu cho nhân viên luân phiên làm việc tại nhà nhằm phòng dịch Covid-19, mọi công việc của anh Tuấn đều được triển khai qua mạng internet.
“Toàn bộ dữ liệu của Hà Nội tourist được số hóa đã tạo thuận lợi cơ bản cho tôi khi làm việc trực tuyến. Tôi và các đồng nghiệp còn thành lập nhóm chung qua mạng xã hội, bảo đảm kết nối thông suốt thông tin 24/24 giờ. Mọi chỉ đạo từ cấp trên được truyền đạt và triển khai kịp thời...”, anh Tuấn cho biết.
Cùng với anh Ngô Minh Tuấn, đến nay gần 100% cán bộ, nhân viên văn phòng Hà Nội tourist và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện “ngồi yên” làm việc trực tuyến tại nhà. Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Hà Nội tourist thông tin: “Đây là giai đoạn Hà Nội tourist vừa chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội Đảng bộ tổng công ty, vừa triển khai cổ phần hóa, đồng thời thực hiện các giải pháp hạn chế tác động của dịch Covid-19, duy trì sản xuất, kinh doanh. Nền tảng công nghệ ổn định, đội ngũ cán bộ tinh thông đã giúp chúng tôi triển khai làm việc trực tuyến và thực hiện những nhiệm vụ trên đồng bộ, hiệu quả”.
Với đặc thù là một đơn vị thực hiện các dịch vụ pháp lý, nhân viên của Công ty Luật Phạm Danh (trụ sở ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) thường xuyên phải gặp gỡ, tư vấn trực tiếp khách hàng. Kể từ ngày 15-3 khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty đã tổ chức cho nhân viên làm việc tại nhà. Bất ngờ là khi chuyển đổi làm việc trực tuyến, lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tư vấn của công ty tăng lên đáng kể. Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho biết: “Trường hợp phát sinh các công việc theo yêu cầu, tôi sẽ trao đổi, phân công công việc thông qua email, điện thoại, Zalo, Skype, Zoom... Các nội dung tư vấn cụ thể cũng được công ty trao đổi với khách hàng bằng các hình thức trực tuyến này”.
Theo ông Tài, việc giao tiếp, trao đổi để xử lý công việc có gặp một số khó khăn do phụ thuộc vào phương tiện trung gian (internet, các ứng dụng, thiết bị của nhân viên và khách hàng...) song với khẩu hiệu “Yêu nước hãy ngồi yên tại chỗ”, các thành viên của công ty đã nhanh chóng khắc phục.
Trong khi đó, chị Trần Thanh Mai, Trưởng phòng bán vé, đặt chỗ, Công ty Thương mại, dịch vụ và du lịch Bầu trời xanh (Blue Sky - số 17 ngõ Hạ Hồi, quận Hoàn Kiếm) cho hay, từ lâu, Ban Giám đốc công ty đã có định hướng làm việc trực tuyến nên khi dịch bệnh xảy ra, công ty chị nhanh chóng triển khai một cách trơn tru. “Vừa làm tốt việc cơ quan, vừa “ngồi yên” để phòng, chống dịch, làm việc trực tuyến rõ ràng là phương thức đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân và cộng đồng”, chị Mai bộc bạch.
Xu hướng của tương lai
Từ góc nhìn của mình, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, làm việc trực tuyến là xu hướng chung trong thời gian qua khi Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên toàn thế giới. Dịch Covid-19 đã tạo ra áp lực cao hơn và mạnh hơn trong việc đẩy nhanh hình thức làm việc trực tuyến tại các doanh nghiệp.
Có chung quan điểm này, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, việc triển khai làm việc theo phương thức trực tuyến sẽ phụ thuộc vào từng ngành nghề, lĩnh vực, trong đó ưu thế thuộc về các ngành nghề dịch vụ như tư vấn, ngân hàng, thương mại…
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, giải pháp “ngồi yên” làm việc từ xa còn giúp giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí cho cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời tạo sự thoải mái, tự do sáng tạo cho nhân viên. Song, bà Lê Thị Lan Hương cũng nhấn mạnh, triển khai làm việc trực tuyến cần có đội ngũ lao động có kỹ năng, kiến thức và đặc biệt là kỷ luật, văn hóa hành vi, thái độ, bao gồm sự độc lập, chủ động, tính tự giác cao. “Mỗi doanh nghiệp sẽ có mô hình hoạt động và yêu cầu hoạt động riêng, nhưng quan trọng nhất là doanh nghiệp đó phải định vị được nhiệm vụ đặt ra cho người lao động, để quản lý bằng sản phẩm đầu ra, chứ không phải quản lý thời gian làm việc của người lao động”, bà Lê Thị Lan Hương nhấn mạnh.
Đặt ra những lo ngại về các vấn đề bảo mật, an toàn thông tin cùng các vấn đề bản quyền, chia sẻ… song các chuyên gia đều cho rằng đây là điều hoàn toàn có thể khắc phục. Rõ ràng, dịch Covid-19 như là điều kiện khó làm “ló cái khôn” để các doanh nghiệp đẩy mạnh hình thức làm việc trực tuyến như một cách thức tổ chức ưu việt đem đến hiệu quả kép, vừa phòng, chống dịch bệnh mà vẫn mang lại hiệu quả kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đầy tin tưởng khi khẳng định: “Khi dịch bệnh qua đi, xu hướng làm việc trực tuyến sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng. Đây sẽ trở thành một phương thức sản xuất mới, phương thức sinh hoạt xã hội mới của đất nước trong thời gian tới”.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 3-2020, lưu lượng kết nối internet tăng 40-90%, chủ yếu từ họp, làm việc, học tập trực tuyến. Thuận lợi rất cơ bản là Việt Nam có nền tảng tương đối đồng bộ về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho phép các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh làm việc theo chế độ trực tuyến. |