Doanh nghiệp vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông lãi gần 100 tỷ đồng trong năm 2022

10/05/2023 09:02

Kinhte&Xahoi Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) đã ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế là 96,8 tỷ đồng trong năm 2022.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam)

Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 với kết quả kinh doanh nhiều tích cực khi cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh so với năm trước.

Cụ thể, kết thúc năm 2022, doanh thu của Hanoi Metro đạt gần 483,2 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm trước đó.

Cả năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu trợ giá lên đến 417 tỷ đồng, so với mức hơn 63 tỷ đồng của năm 2021 (tăng gấp 6,6 lần). Trong khi đó, doanh thu cung cấp dịch vụ cũng tăng từ 5,3 tỷ đồng (năm 2021) lên mức 65,8 tỷ đồng (năm 2022), tức là tăng 12,4 lần.

Cũng nhờ vậy, Hanoi Metro đã thoát tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, khi lãi gộp năm 2022 đạt 109,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, Hanoi Metro đã ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế là 96,8 tỷ đồng trong năm 2022.

Trước đó, trong năm đầu vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội đã báo lỗ gần 38 tỷ đồng trong năm 2021. Nhờ đó, khoản lỗ luỹ kế đến hết 31/12/2022 của Hanoi Metro chỉ còn âm 36,8 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Hà Nội mới)

Về tài sản, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Hanoi Metro là 3.016 tỷ đồng, tăng nhẹ thêm 6% so với hồi đầu năm.

Trong đó, chiếm phần lớn là tài sản cố định hữu hình với 2.280 tỷ đồng, tương đương chiếm gần 76% tổng tài sản.

Kết thúc năm 2022, nợ phải trải của Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội ở mức 3.049 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,7% so với thời điểm đầu năm 2022.

Trong đó, chủ yếu là nợ phải trả ngắn hạn (3.026 tỷ đồng), gồm: Nguyên giá tạm tăng của tài sản dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông (2.668 tỷ đồng); nguồn kinh phí ngân sách nhà nước do Sở Tài chính cấp (212 tỷ đồng) và một số khoản nợ khác.

Năm 2023, Hanoi Metro khá thận trọng khi chỉ đặt kế hoạch lãi 5,9 tỷ đồng, trong khi tổng doanh thu có thể tăng lên 519 tỷ đồng. Công ty dự kiến phục vụ hơn 10,6 triệu lượt khách với hơn 81.300 lượt tàu.

Được biết, sau 10 năm khởi công, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thương mại vào tháng 11/2021.

Tuyến đường sắt này có 13 đoàn tàu và có 12 nhà ga, mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách.

Về tần suất, đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông có biểu đồ hoạt động giờ cao điểm 6 phút/chuyến, bình quân có 10 chuyến/giờ/hướng.

Giá vé theo chặng là 8.000đ - 15.000đ/lượt. Giá vé ngày là 30.000đ/ngày. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000đ/người, đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp… là 100.000đ/người).

Lê Hải - Ngọc Huy - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gạc Ma: 35 năm, một tượng đài bất khuất

35 năm trước, ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/doanh-nghiep-van-hanh-duong-sat-cat-linh--ha-dong-lai-gan-100-ty-dong-trong-nam-2022-d193423.html