Bán “lúa non” cho hàng trăm khách hàng?
Dự án Homeland Paradise Village tọa lạc ở giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng, giáp với sông Cổ Cò do HomeLand Group làm chủ đầu tư với tổng diện tích 31,43 ha gồm nhà phố liền kề, biệt thự và shophouse xây sẵn.
Để "mê hoặc" khách hàng, chủ đầu tư đã không ngần ngại dùng những từ “có cánh” dành cho dự án như: đây là chốn “bồng lai tiên cảnh” giữa lòng Nam Đà Nẵng và được xây dựng theo phong cách cổ kính Hội An, mang trong mình vị thế độc tôn "kề giang cận hải" khi nằm trong quần thể resort bãi biển, chạy dọc tuyến đường Đà Nẵng - Hội An, ôm trọn dòng sông Cổ Cò huyền thoại và hai sân Golf DRG và Montgomerie Links, chỉ cách Cocobay - thiên đường giải trí hàng đầu Đông Nam Á vài bước chân...
Cổng dự án Homeland Paradise Village.
Với phương thức đánh vào cảm xúc để "chiêu dụ" khách hàng như vậy, chỉ trong vòng thời gian ngắn, chủ đầu tư HomeLand Group đã giao dịch được gần một nửa số lượng sản phẩm.
Nhưng, điều đáng nói là theo ghi nhận thực tế của PV, hiện tại dự án Homeland Paradise Village vẫn chỉ là bãi đất trống được bao bọc bởi biển hiệu quảng cáo, mặt bằng chưa được san lấp hoàn thiện, bên trong dự án chỉ có một vài xe cơ giới và hồ nước lớn.
Trong vai khách hàng, PV đã liên hệ với nhân viên của dự án và ngỏ ý muốn mua biệt thự tại dự án Homeland Paradise Village. Tại đây, nhân viên bán hàng của HomeLand Group thông tin, hiện dự án đã có khoảng 300 khách hàng đóng tiền giữ chỗ với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi sản phẩm, ngày 24/12 tới sẽ mở bán, nếu không "nhanh tay" thì sẽ không có cơ hội sở hữu.
Hồ và một số vị trí ngập nước trong dự án chưa được san lấp.
Khi chúng tôi hỏi về pháp lý thì nhân viên này quanh co: “Anh yên tâm, pháp lý bên em có rồi nhưng chủ đầu tư chưa công bố thôi, với lại trên công ty giữ chứ em đâu được biết”.
Đẩy rủi ro về phía khách hàng
Khi nhắc đến việc nhiều dự án chưa đủ điều kiện để mở bán theo quy định pháp luật nhưng vẫn tổ chức lách luật, huy động vốn dưới dạng ký thỏa thuận "đặt cọc giữ chỗ", nhiều chuyên gia bất động sản đã chỉ ra những hệ lụy pháp lý mà người mua nhà có thể phải gánh chịu.
Một chuyên gia bất động sản cho biết, thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ về pháp lý không phải là hợp đồng mua bán, nhưng lại có cùng bản chất là huy động vốn từ chủ đầu tư thông qua đơn vị phát triển và phân phối dự án. Đã có tình trạng lúc ký hợp đồng đặt cọc bên bán sẽ "vẽ" ra nhiều tiện ích, thiết kế căn hộ một đằng nhưng khi vào hợp đồng mua bán lại ra một nẻo.
"Ví dụ như có nhiều trường hợp ký thỏa thuận đặt cọc giữ chỗ với bên môi giới nhưng sau đó phía chủ đầu tư dự án vi phạm nhiều vấn đề nên dự án chậm triển khai, chất lượng không đảm bảo khiến người mua nhà rút lại quyết định mua căn hộ tại dự án đó thì không thể lấy lại được tiền đặt cọc", vị chuyên gia này dẫn chứng.
Vị chuyên gia này đưa ra khuyến cáo, người mua nhà trước khi ký thỏa thuận đặt cọc cần đọc kỹ các điều khoản cũng như tìm hiểu rõ về dự án và chủ đầu tư để tránh gặp phải những hệ quả pháp lý đáng tiếc.
Bên cạnh đó, người mua cần chọn những chủ đầu tư uy tín mà trong hợp đồng mua bán có cam kết cụ thể thời gian bàn giao chủ quyền cho khách hàng. Đối với dự án hình thành trong tương lai, người mua nhà cần phải tìm hiểu các yếu tố như dự án đã được phép bán chưa, ngân hàng nào đứng ra bảo lãnh hay chủ quyền đất... Có như vậy mới đảm bảo được quyền lợi của mình về sau.
Trên thực tế đã có khá nhiều dự án "mời" được khách hàng bỏ tiền ra lấy “phiếu ưu tiên giữ chỗ”, “đặt cọc giữ chỗ”... và nhiều năm sau dự án vẫn chẳng thấy động tĩnh gì.
Theo Khoẻ 365/GĐ&PL