Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6

10/04/2023 14:41

Kinhte&Xahoi Sáng 10/4, tại Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Trong đó, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với 13 dự án. Cụ thể, tại kỳ họp thứ năm (dự kiến diễn ra trong tháng 5/2023), bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với 2 dự án, dự thảo gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; Trình Quốc hội cho ý kiến đối với 6 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tại phiên họp

Tại kỳ họp thứ sáu (dự kiến diễn ra trong tháng 10/2023), Chính phủ đề nghị bổ sung trình Quốc hội thông qua 6 dự án, là các dự án đang được đề nghị bổ sung vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm nêu trên; đồng thời, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với 2 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Cũng tại kỳ họp thứ sáu, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với 3 dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2024 đối với 14 dự án. Theo đó, tại kỳ họp thứ bảy, trình Quốc hội thông qua 5 dự án luật, là các dự án Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, trong đó có Luật Thủ đô (sửa đổi). Trình Quốc hội cho ý kiến 7 dự án, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Địa chất và Khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân.

Tại kỳ họp thứ tám, Chính phủ trình Quốc hội thông qua 7 dự án, là các dự án được cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy; trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án: Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi).

Tại phiên họp, Tòa án Nhân dân Tối cao đã có ý kiến đề nghị xây dựng các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Pháp lệnh chi phí tố tụng; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024.

Ảnh minh họa

Báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực các Ủy ban thẩm tra nội dung nhất trí với đề nghị bổ sung 3 dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu và thông qua tại kỳ họp thứ bảy. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Đấu giá tài sản, đề nghị đưa vào chương trình nhưng lùi tiến độ một kỳ họp so với đề nghị của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nêu rõ, sau khi điều chỉnh, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 9 dự án luật; tại kỳ họp thứ sáu sẽ thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến 6 dự án luật.

Nhấn mạnh số lượng các dự án đã được đề nghị đưa vào chương trình rất lớn, để bảo đảm thời gian và đảm bảo các cơ quan thẩm tra cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Chính phủ, các cơ quan bảo đảm việc chuẩn bị tài liệu đầy đủ, đúng thời hạn theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần nâng cao tính chủ động, phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến tính nối tiếp, “gối đầu” trong trình tự giải quyết công việc, tránh để một kỳ họp có quá nhiều hay quá ít dự án luật được thông qua; Cần khắc phục việc chậm, muộn báo cáo, dẫn đến kéo lùi tiến độ xây dựng pháp luật, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội; Hạn chế việc ban hành các nghị quyết sửa đổi quy định của pháp luật.

“Cần đánh giá chi tiết, rõ ràng việc thực hiện công tác xây dựng pháp luật, chỉ đưa vào luật những vấn đề đã “chín”, đã rõ, có cơ sở chính trị, được thực tế kiểm nghiệm, để từ đó đạt được sự đồng thuận trong xây dựng cũng như thi hành pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời đề nghị bổ sung các luật về thuế, công nghệ số, trang thiết bị y tế, phát triển công nghiệp bởi đây đều là những nội dung quan trọng, cấp bách, cần sớm đề xuất để có điều chỉnh phù hợp.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội đánh giá chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua, trình bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2023 và 2024, trong đó đánh giá kỹ, nhìn lại kết quả xây dựng pháp luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gạc Ma: 35 năm, một tượng đài bất khuất

35 năm trước, ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/du-an-luat-thu-do-sua-doi-duoc-trinh-quoc-hoi-tai-ky-hop-thu-6-221414.html