Không phải toàn bộ là đất công do xã Cổ Bi quản lý!?
Bà Nguyễn Thị Thúy (hộ khẩu thường trú tại thôn Vàng 2, xã Cổ Bi) cho biết, năm 1986 chồng bà là ông Nguyễn Bá Bình (đã chết năm 2014) trúng thầu Hợp đồng Ao cá Thanh niên với UBND xã Cổ Bi và làm chòi cạnh ao để nuôi cá. Cũng trong thời gian này, tại khu vực xưởng lò rèn của Nhà máy Cơ khí xây dựng Gia Lâm (xưởng lò rèn nằm liền kề khu Ao cá Thanh niên) xuất hiện tình trạng trộm cắp sắt phế thải, nên lãnh đạo nhà máy đã đề nghị ông Bình giúp đỡ, cùng tham gia bảo vệ tài sản. Khi xưởng lò rèn chuyển vào trong tường rào thì lãnh đạo nhà máy cho phép ông Bình san lấp, cải tạo và sử dụng nhà cấp 4 tại khu đất của xưởng lò rèn cũ, bãi thải phế liệu của nhà máy để ở và tiếp tục công việc bảo vệ.
Khu đất gia đình bà Thúy sinh sống ổn định hàng chục năm đã bị san bằng để làm dự án dù chưa xong việc bồi thường, hỗ trợ và còn vướng mắc chờ chính quyền huyện Gia Lâm, TP Hà Nội giải quyết
Trong quá trình nuôi cá, tham gia bảo vệ nhà máy, ông Bình cũng được nhà máy đồng ý cho san lấp, cải tạo, xây thêm nhà cấp 4 mới trên khu đất xưởng lò rèn cạnh ao cá để ở cũng như chăn nuôi, trồng rất nhiều cây cối, hoa màu. Từ năm 1992, bà Thúy xây dựng gia đình với ông Bình và sinh thêm 4 người con nên đã xây thêm nhà ở, chuồng trại để chăn nuôi, sinh sống ổn định trên khu đất này với sự đồng ý của lãnh đạo Nhà máy cơ khí xây dựng Gia Lâm, lãnh đạo xã Cổ Bi.
Do không có lối đi vào ngõ 71 Cổ Bi thị trấn Trâu Quỳ, phải dùng thuyền bơi qua Ao cá Thanh niên nên gia đình bà Thúy đã thỏa thuận và được gia đình bà Trần Thị Lịch (là hàng xóm liền kề) chuyển nhượng sử dụng khoảng 100 m2 đất sát tường Nhà máy cơ khí Gia Lâm mà gia đình bà Lịch đã được Nhà máy cơ khí Xây dựng Gia Lâm cấp để ở từ trước năm 1980, để làm đường đi riêng vào ngõ 71 Cổ Bi. Bà Thúy khẳng định, trong suốt thời gian gia đình bà sinh sống ổn định, chăn nuôi, trồng trọt tại khu đất này đến thời điểm Nhà nước yêu cầu bàn giao mặt bằng để làm dự án không xảy ra tranh chấp với ai, không bị cơ quan nào nhắc nhở hay xử phạt đối với việc sử dụng khu đất xưởng lò rèn, khu bãi thải phế liệu và phần đất lối đi nhận chuyển nhượng từ gia đình bà Lịch.
Thế nhưng tháng 4/2019, bà Thúy lại nhận thông tin rất bất ngờ, có dấu hiệu xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của bà và những người con. Đó là, tại Quyết định số 2916/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 và Quyết định số 3381/QĐ-UBND ngày 24/05/2019 của UBND huyện Gia Lâm về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình bà khi bị thu hồi đất tại thôn Vàng, xã Cổ Bi, Gia Lâm để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 30m đấu nối khu vực dự án Điểm thông quan nội địa TP Hà Nội tới đường Nguyễn Đức Thuận và dự án Xây dựng điểm thông quan nội địa.
Theo 2 quyết định, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ với khu đất có diện tích đất thu hồi 58,2 m2 chỉ vỏn vẹn 850 nghìn đồng và khu đất có diện tích 1.593,3 m2 là hơn 118 triệu đồng. Theo các quyết định trên, gia đình bà Thúy sẽ không được nhận bồi thường về đất đối với hơn 1.600 m2 đất đã sử dụng ổn định một thời gian dài từ những năm 1992, một phần đất công đi từ năm 1980, mà chỉ được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất. Không đồng ý với phương án bồi thường, bà Nguyễn Thị Thúy đã kiến nghị tới các cơ quan chức năng.
Trả lời kiến nghị của bà Thúy, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm cho rằng khu đất gia đình đang sử dụng là đất công và nội dung này là do UBND xã Cổ Bi xác nhận. Không đồng ý với trả lời này, bà Nguyễn Thị Thúy đã gửi đơn khiếu nại tới Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm. Đơn khiếu nại nêu rõ, toàn bộ diện tích đất 1.593,3 m2 thu hồi theo Quyết định số 2916/QĐ-UBND ngày 23/04/2019 UBND huyện Gia Lâm không phải là đất công do UBND xã Cổ Bi quản lý mà có nguồn gốc từ: Một phần thửa đất của gia đình bà Lịch đã sử dụng rồi sang nhượng cho gia đình những năm 1990; khu đất xưởng lò rèn, khu đất bãi thải sắt phế liệu của Nhà máy Cơ khí xây dựng Gia Lâm cho ông Nguyễn Bá Bình sử dụng từ trước năm 1990 và một phần thửa đất ven ao cá thanh niên tiếp giáo bờ tường Nhà máy Cơ khí xây dựng Gia Lâm hình thành do ông Bình san lấp, cải tạo thêm có sự đồng ý của UBND xã Cổ Bi.
Ngày 31/7/2019, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đã ban hành quyết định thụ lý và giao xác minh khiếu nại. Tuy nhiên, đến nay đã là cuối tháng 10/2019, gia đình bà Thúy vẫn chưa nhận được kết luận giải quyết cuối khiếu nại từ phía chính quyền địa phương.
Có khuất tất từ cơ sở khiến quyền lợi người dân bị xâm phạm?
Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, phóng viên đã liên hệ với một số cá nhân và tổ chức tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm là nơi xảy ra sự việc. Nhiều thông tin trái ngược với xác nhận của lãnh đạo UBND xã Cổ Bi hiện nay về nguồn gốc, thời gian sử dụng khu đất đã được “phát lộ”. Là Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Công an xã Cổ Bi nhiệm kỳ 1987 - 1990, ông Nguyễn Huy Huỳnh cho biết, ông Nguyễn Bá Bình là người xã Cổ Bi có làm hợp đồng với UBND xã Cổ Bi từ năm 1986 thầu khu ao cá Thanh niên.
Từ năm 1992, sau khi lập gia đình với bà Thúy, 2 người cùng các con đã sử dụng căn nhà cấp 4 và khu đất Xưởng Lò rèn, bãi thải phế liệu của Nhà máy cơ khí xây dựng Gia Lâm để trồng trọt, chăn nuôi, sinh sống ổn định, không tranh chấp khiếu kiện với ai, UBND xã Cổ Bi cũng chưa khi nào xử lý vi phạm.
Gắn bó cùng ông Nguyễn Bá Bình trong quá trình bảo vệ, trông coi tài sản của nhà máy, đặc biệt là khu lò rèn, ông Vũ Văn Doãn, nguyên Phó Giám đốc Nhà máy Cơ khí xây dựng Gia Lâm thời kỳ 1971 - 2004 khẳng định toàn bộ nền đất khu lò rèn và bãi thải sắt phế liệu cạnh bờ Ao cá Thanh niên là của Nhà máy cơ khí xây dựng Gia Lâm quản lý có diện tích khoảng 700 m2.
Lãnh đạo đơn vị này đã đồng ý cho gia đình ông Bình sử dụng căn nhà cấp 4 cũ, san lấp để làm nhà ở trên đó để trồng cây, chăn nuôi và thuận lợi cho việc cùng bảo vệ nhà máy trông coi tài sản. “Từ khi ông Nguyễn Bá Bình đến ở trên khu đất lò rèn cho đến thời điểm hiện nay, chưa khi nào Nhà máy cơ khí xây dựng Gia Lâm phàn nàn, yêu cầu gia đình ông Nguyễn Bá Bình trả lại khu đất”, nguyên Phó Giám đốc Nhà máy cơ khí xây dựng Gia Lâm xác nhận.
Bà Trần Thị Lịch (hộ khẩu thường trú tại thôn Vàng 4, xã Cổ Bi) là hàng xóm liền kề gia đình bà Thúy cho biết, chồng bà là công nhân Nhà máy cơ khí xây dựng Gia Lâm nên được cấp thửa đất cạnh tường nhà máy từ những năm 1980 để làm nhà ở (sau này được xác định là thửa đất số 12, tờ bản đồ số 5, xã Cổ Bi - PV). Trước những năm 1990, cạnh khu đất gia đình bà Lịch ở đã có khu xưởng lò rèn, bãi thải sắt phế liệu của Nhà máy cơ khí xây dựng Gia Lâm liền kề khu Ao cá Thanh niên và ông Bình là người thầu khu ao cá, tham gia bảo vệ nhà máy. Gia đình ông Bình, bà Thúy đã san lấp để xây nhà, làm chuồng trại chăn nuôi, trồng trọt trên khu đất này.
Vì gia đình ông Bình, bà Thúy phải dùng thuyền đi qua Ao cá Thanh niên ra đường lớn nên gia đình bà Lịch đã sang nhượng cho ông Bình một phần đất của gia đình. Diện tích 100 m2 này nằm giữa tường rào nhà máy và khu đất còn lại của gia đình bà Lịch (vị trí cụ thể tại Hồ sơ kỹ thuật thửa đất số 2674/2019/HSKT do Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế khảo sát đo đạc và bản đồ cấp ngày 9/8/2019).
Bà Thúy cho biết, năm 2013, chồng bà đã nộp toàn bộ giấy tờ liên quan đến khu đất cho Ban Quản lý dự án huyện Gia Lâm và UBND xã Cổ Bi khi được thông báo là sẽ có đoàn kiểm đếm tài sản và thu hồi phần đất ông Bình đang sử dụng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng điểm thông quan nội địa TP Hà Nội. Năm 2014, ông Bình chết nên gia đình không biết thêm gì về “số phận” các tài liệu đã giao nộp, về số tiền bồi thường, hỗ trợ liên quan đến phần đất đã thu hồi đất để phục vụ cho một dự án triển khai từ cách đây 6 năm.
Tìm hiểu về công tác bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường 30m đấu nối khu vực Điểm thông quan nội địa TP Hà Nội tới đường Nguyễn Đức Thuận, phóng viên đã được tiếp cận một số tài liệu cho thấy dường như chưa công bằng với với gia đình bà Thúy? Đó là, năm 2014, gia đình bà Thúy đã tiến hành tháo dỡ 02 ngôi nhà sàn, 01 nhà tạm, tường 110, mái ngói cùng chuồng trại, cây cối để bàn giao một phần khu đất theo Quyết định 106/QĐ-UBND ngày 17/01/2014 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ về đất, cây cối hoa màu của 4 hộ dân, 1 công ty và UBND xã Cổ Bi trên diện tích đất 25.951 m2 đất để thực hiện dự án xây dựng điểm thông quan nội địa của TP Hà Nội. Quyết định này đã xác định tổng diện tích hộ ông Nguyễn Bá Bình đang sử dụng là 19.409,8 m2 cùng nhiều công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu đã tồn tại ở đây.
Bất ngờ hơn, ngày 8/4/2019, UBND xã Cổ Bi đã xác nhận lại nguồn gốc đất có nhiều khác biệt so với xác nhận ngày 9/11/2018 để Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Gia Lâm lập phương án bồi thường cho gia đình bà Trần Thị Lịch khi thu hồi 300 m2 đất với đơn giá hơn 12,6 triệu đồng/m2. Trong khi đó, cùng thửa đất, cùng nguồn gốc, cùng thời gian sử dụng thì phần đất tách cho gia đình bà Thúy lại không được bồi thường vì xác định là đất công.
Để giải đáp những vấn đề chưa rõ, thiết nghĩ UBND huyện Gia Lâm cần tiến hành đúng trình tự, thủ tục đã quy định tại Luật Khiếu nại để xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại đảm bảo khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của công dân.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ trách nhiệm của cấp cơ sở trong việc cung cấp thông tin, báo cáo cấp trên không đúng sự thật (nếu có) trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, tránh bức xúc trong nhân dân dẫn tới khiếu kiện kéo dài gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự địa phương.
Nhóm PV