Giá vàng hôm nay 28/4: Từ đỉnh cao, vàng tuột dốc do áp lực bán chốt lời
Kinhte&Xahoi
Giá vàng thế giới "quay đầu" giảm do chịu áp lực chốt lời do những ngày qua giá kim loại này đã liên tục đi lên và đạt đỉnh cao 8 năm.
Hiện giá vàng tại thị trường trong nước đang được giao dịch ở ngưỡng sau:
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 48,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,55 triệu đồng/lượng (bán ra).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Petrotimes)
Mức giá này giảm 50.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 48,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,80 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này giảm 80.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 150.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 47,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,57 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này không thay đổi so với phiên giao dịch gần nhất.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đang được giao dịch tại ngưỡng 1.715,5 USD/ounce (Theo Kitco News).
Mức giá này tương đương khoảng 48,6 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD tự do.
Nhu cầu đối với vàng cũng tăng mạnh trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư châu Á và các thị trường tài chính bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của giá dầu thô trong tuần trước.
Theo giới phân tích, giá vàng thế giới "quay đầu" giảm do chịu áp lực chốt lời do những ngày qua giá vàng thế giới đã liên tục đi lên.
Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters cho biết, giá vàng giao ngay có thể thử sức quanh mức hỗ trợ 1.703 USD/ounce. Việc rơi xuống dưới ngưỡng này có thể khiến giá vàng giảm xuống còn 1.677 USD.
Tuần này thị trường đang theo dõi hai sự kiện có khả năng tác động lớn đến giá vàng là công bố GDP quý 1 của Mỹ và cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Giới đầu tư vẫn đẩy mạnh mua vàng do lo ngại dịch bệnh sẽ làm suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng tài chính, khắp nơi các Ngân hàng trung ương bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế.