Theo Bộ Công Thương, việc giảm giá điện và giảm tiền điện được áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, hầu hết khách hàng sử dụng điện dưới 300kWh/tháng là người lao động, công chức, viên chức, công nhân và người làm công ăn lương. Với mức hỗ trợ 10%, khách hàng sử dụng điện ở mức 100kWh/tháng được hỗ trợ khoảng 17.000 đồng/tháng. Tương tự ở mức 200kWh/tháng được hỗ trợ trên 37.000 đồng/ tháng. Các khách hàng sử dụng trên 300kWh/tháng được hỗ trợ là 62.560 đồng/tháng. Tổng số tiền ước tính hỗ trợ giảm cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ước khoảng 2.900 tỷ đồng. Đối với cơ sở lưu trú du lịch, tổng số tiền ước tính hỗ trợ giảm là 1.800 tỷ đồng. Trong khi nhóm khách hàng là sản xuất được giảm 10% tiền điện trong tất cả các khung giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường, với tổng tiền được hỗ trợ khoảng 6.100 tỷ đồng...
Nói về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, trong cơ cấu chi phí sản xuất ngành sợi, điện chiếm tỷ lệ 35-40%. Với ngành dệt, nhuộm, tỷ lệ này là 30%. Còn với ngành may, tiêu thụ điện chiếm 15-20%. Việc Bộ Công Thương và ngành Điện quyết định giảm giá điện lúc này là rất cần thiết, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.
Chị Lê Minh Ngọc, trú tại tổ 32 phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) cho biết, chị cũng như nhiều người khác vui mừng đón nhận thông tin ngành Điện giảm giá hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn bởi dịch Covid-19. "Vừa qua, thực hiện cách ly xã hội, tiền sử dụng điện ở hầu hết các hộ gia đình đều tăng. Đặc biệt, những tháng giảm giá 4, 5 và 6 là giai đoạn bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện còn cao hơn nữa", chị Ngọc chia sẻ.
Trong khi đó, ở kỳ điều hành giá vừa qua, giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 7 liên tiếp trong năm 2020, với mức giảm tổng cộng của xăng RON95 là 9.051 đồng/lít, xăng E5 RON92 là 8.538 đồng/lít. Hiện tại, giá bán lẻ xăng trong nước đang ở mức thấp nhất trong vòng 11 năm trở lại đây, kể từ tháng 3-2009.
Tuy nhiên, do đang thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động giao thông, đi lại giảm đáng kể nên tác động tích cực của việc giảm giá xăng tới đời sống dân sinh không nhiều. Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, nhân viên thiết kế Công ty cổ phần Việt Art, bình thường đổ đầy bình xăng xe ô tô nhãn hiệu Kia Morning, anh Tùng trả 500.000 đồng nhưng từ ngày xăng giảm giá, tiền xăng tiết kiệm tới gần 150.000 đồng.
Tuy nhiên, do chuyển sang làm việc trực tuyến và hạn chế đi lại nên việc sử dụng xăng xe rất ít.
Với các doanh nghiệp vận tải - nhóm đối tượng sử dụng xăng nhiều nhất, hầu hết cũng đã giảm hoặc ngừng hoạt động. Ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc Công ty Du lịch Văn Minh chuyên hoạt động xe khách giường nằm tuyến Hà Nội - Nghệ An, Hà Tĩnh nói: “Hầu hết xe của doanh nghiệp đang nằm ở bến, bãi. Trước khi cách ly xã hội, khách đi xe cũng rất ít, số chuyến xe mỗi ngày giảm đáng kể, nên doanh nghiệp vận tải hưởng lợi từ giảm giá xăng cũng không nhiều”… Thực tế, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, sản lượng tiêu thụ xăng chỉ đạt 40% so với bình thường.
Tuy vậy, trên mặt bằng chung, việc giảm giá xăng dầu, giá điện - yếu tố đầu vào của nhiều ngành sản xuất, chắc chắn sẽ mang lại những động thái tích cực đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong và sau dịch.