Giảm giá điện trong 3 tháng: Hỗ trợ thiết thực
Kinhte&Xahoi
Vào thời điểm này, theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn bắt đầu phát hành hóa đơn tiền điện tháng 4. Theo đó, đây là kỳ hóa đơn đầu tiên được hỗ trợ giảm giá điện trong 3 tháng nhằm giảm bớt khó khăn, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19.
Công nhân EVN khắc phục sự cố điện.
Đánh giá cao sự chủ động của EVN, tuy nhiên người dân và DN đều chung mong muốn việc giảm giá điện được thực hiện công khai, minh bạch để không được ảnh hưởng đến thu ngân sách và áp lực giá vào năm 2021.
Ba nhóm chính được hưởng hỗ trợ giảm giá điện gồm: Hộ gia đình (nhất là các hộ sử dụng dưới 300 kWh/tháng, ước tính lên tới 22 triệu hộ); cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị hành chính sự nghiệp; cơ sở lưu trú du lịch. Đây là đợt giảm giá điện lần đầu tiên được thực hiện trên toàn quốc với 28,3 triệu khách hàng. EVN thực hiện giảm giá điện cho 7,7 triệu khách hàng với số tiền thực hiện giảm là 1.383 tỷ đồng. Trong đó việc giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 được coi là sự hỗ trợ khá thiết thực cùng với những phương án giãn, giảm tiền điện cho cả người dân và DN. Tổng số tiền hỗ trợ từ việc giảm giá điện ước tính là gần 11.000 tỷ đồng, cao hơn 3.000 tỷ đồng so với đề xuất của EVN.
Tuy nhiên, quá trình triển khai giảm giá cần phải gửi tới khách hàng những thông điệp rõ ràng trên hóa đơn tiền điện, dù là phát hành trực tiếp hay là gửi qua tin nhắn thoại. Bởi vì tâm lý chung của người tiêu dùng là giảm giá, cho nên nhận thông báo tiền điện sẽ nghĩ ngay đến việc hóa đơn tiền điện của họ giảm xuống. Nhưng thực chất có thể do việc tiêu dùng nhiều điện nên hóa đơn tiền điện vẫn tăng. Cùng với đó, EVN cũng cần cân nhắc tính toán thêm, giảm giá thêm cho đối tượng là các hộ mà khả năng thanh toán thấp như các hộ nghèo theo tiêu chí của Chính phủ, các hộ gia đình chính sách trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh và không có thu nhập.
Và cùng với những nỗ lực của ngành điện, việc hỗ trợ cũng cần được người dân chia sẻ trở lại với việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong bối cảnh hạn hán, các nguồn thủy điện có giá thành thấp hơn đang gặp rất nhiều khó khăn, phải huy động các nguồn điện có giá thành cao hơn như điện than, điện khí và năng lượng tái tạo như gió, mặt trời. Những nỗ lực mà EVN chia sẻ cùng nền kinh tế thể hiện trách nhiệm của DN trước khó khăn chung.
Tuy nhiên, điều rất quan trọng trong triển khai các giải pháp hỗ trợ giảm giá giá bán điện đó là, việc giảm giá điện và hỗ trợ tiền điện của EVN cho các đối tượng khách hàng phải được lấy từ doanh thu, lợi nhuận và việc giảm các chi phí của Tập đoàn, không được “treo lỗ” cũng như gây sức ép tăng giá điện trong thời gian tới. Có như thế chính sách hỗ trợ giảm giá bán điện mới mang ý nghĩa, tác dụng thiết thực.