Hà Nội: Ai 'bật đèn xanh' cho vi phạm TTXD tại KCN Tiền Phong?
Kinhte&Xahoi
Nhiều người dân tại Khu công nghiệp Tiền Phong, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín cho biết, hiện trên khu công nghiệp rất nhiều ngôi nhà xây dựng trái phép, sai phép nhưng không bị xử lý.
Để làm rõ những thông tin trên chúng tôi có mặt tại địa điểm mà người dân phản ánh. Từ xa khu công nghiệp làng nghề Tiền Phong hiện ra với những công trình cao tầng được xây mới theo dạng nhà phân lô cao 3 – 4 tầng, có những công trình đã đi vào sử dụng và có rất nhiều công trình đang được hoàn thiện để sử dụng để ở như một hộ gia đình.
Nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm tại Khu công nghiệp Tiền phong.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Khu công nghiệp làng nghề Tiền Phong được thành lập từ những năm 2005, các hộ dân sẽ được thuê đất với thời gian là 30 năm, diện tích các thửa đất được quy hoạch nhỏ nhất là 200m2 và lớn có thể lên đến 2.000m2. Mật độ xây dựng được tính theo các quy định của luật xây dựng. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều hộ tự ý mua đi bán lại phần diện tích của mình và tùy tiện xây dựng không theo quy hoạch, quy chuẩn đã được các cấp phê duyệt.
Nhiều trường hợp một lô đất 300m2 được chia ra thành 3 - 4 lô xây dựng như nhà phân lô để bán, xây dựng hết phần diện tích được thuê mà không cần quan tâm đến mật độ xây dựng hay mục đích sử dụng, khiến khu công nghiệp trở lên hỗn độn. Khu công nghiệp làng nghề trên chuyên sản xuất chăn ga, gối đệm là những vật dụng dễ bắt lửa. Nếu quản lý không chặt chẽ mà để bùng phát cháy nổ thì hậu quả sẽ khôn lường.
Trong vai người đi hỏi tìm mua đất tại khu công nghiệp để xây dựng làm nhà xưởng và nhà để ở, những người dân ở đây cho hay, chỉ cần có tiền mua được đất là xây dựng được ngay. Thấy chúng tôi có vẻ phân vân về tính pháp lý, người đàn ông chỉ tay về phía những ngôi nhà đang hoàn thiện kia nói: "Nếu không tin chú ra hỏi họ mà xem, chẳng phải suy nghĩ nhiều đâu. Ở đây họ vẫn xây bình thường không cần phép miễn là giải được bài toán kinh tế, nghĩa là làm luật sao cho ổn thỏa là xong hết".
Đúng như lời nói của người dân, theo quan sát của chúng tôi có tới cả chục ngôi nhà được đưa vào sử dụng nhiều năm nay, và gần chục ngôi nhà đang thi công như đại công trường giữa "thanh thiên bạch nhật" mà không hề bị các cơ quan chức năng huyện Thường Tín tuýt còi. Chắc cũng chẳng có ai dám liều lĩnh xây dựng khi mà không có ai “chống lưng” cho mình.
Những ngôi nhà to được xây dựng nhiều ngày chứ có phải là cái kim đâu, chính quyền không thể không biết. Hơn nữa còn có cả hệ thống thanh tra xây dựng huyện ăn lương Nhà nước có nhiệm vụ kiểm tra giám sát, phát hiện vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) báo cáo chính quyền về những vi phạm trên địa bàn không lẽ lại không phát hiện ra trường hợp nào? Hàng loạt công trình khủng như vậy được chủ đầu tư vô tư hoàn thiện nhiều tháng nay như thách thức chính quyền địa phương.
Tại buổi làm việc với ông Dương Đình Tiêu – đại diện thanh tra xây dựng huyện Thường Tín, ông thừa nhận là có nhiều trường hợp vi phạm, chủ yếu là vi phạm về mật độ xây dựng, chúng tôi đã lập biên bản xử phạt hành chính và có báo cáo huyện. Theo ông Tiêu vì là làng nghề, nhiều hộ xây dựng nhà và ở đó luôn tiện cho việc trông coi. Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận các biên bản xử lý, xử phạt gần đây thì ông thoái thác với lý do người giữ hồ sơ đang đi địa bàn và hẹn phóng viên hôm khác sẽ cung cấp.
Công trình vi phạm TTXD của Công ty Thành Phát nhiều năm qua vẫn chờ phán quyết của UBND huyện Thường Tín.
Nhiều năm qua Thường Tín có nhiều vụ vi phạm TTXD tương đối nghiêm trọng, điển hình như vi phạm xây dựng của Công ty Thành Phát xây dựng mà báo chí phản ánh. Công ty Thành Phát đã ngang nhiên xây dựng dãy nhà 4 tầng không được các cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng để kinh doanh cafe, karaoke trên đất được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) quy hoạch làm điểm công nghiệp, cạnh quốc lộ 1A (cũ) ở xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Tuy nhiên bất chấp sự vào cuộc của đội kiểm tra liên ngành của huyện, các ban, ngành của TP Hà Nội, hành vi coi thường pháp luật kể trên vẫn không bị xử lý dứt điểm.
Trách nhiệm người đứng đầu địa phương đã được quy định rõ nhưng hiện tượng buông lỏng quản lý vẫn còn tồn tại. Thiết nghĩ các cơ quan hữu quan cần có những chế tài mạnh mẽ, xử lý nghiêm thì mới hạn chế được tình trạng trên tránh xu hướng lan rộng.
Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng huyện Thường Tín, Sở Xây dựng Hà Nội, sớm có biện pháp xử lý nghiêm những công trình vi phạm nêu trên. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi để xảy ra tình trạng xây dựng sai phép tại Khu công nghiệp Tiền Phong.
Báo sẽ tiếp tục đồng hành và phản ánh vụ việc tới bạn đọc.
Theo KD&PL