Tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch COCID-10 TP Hà Nội.
Dịch từng bước được kiểm soát, hạn chế được khả năng lây lan rộng ra cộng đồng
Khai mạc cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai phòng chống dịch tích cực, nhất là ngành y tế và một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác có ca dương tính đã khoanh vùng dập dịch tích cực, đặc biệt xét nghiệm nhanh trên diện rộng. Một số nơi có ổ dịch đã thực hiện giãn cách xã hội nghiêm khắc, Quảng Nam lập đội xử lý nhanh, còn Đà Nẵng phát phiếu đi chợ hay cắt giảm số lượng người làm việc tại trung tâm hành chính của thành phố…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp
TP Đà Nẵng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 một cách nghiêm ngặt, còn các địa phương khác đều thực hiện mục tiêu kép, đẩy mạnh chống dịch trên địa bàn và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giữ các hoạt động bình thường. Đây được đánh giá là chủ trương cần thiết.
Theo Thủ tướng, khác với trường hợp xuất hiện ca bệnh số 17 trước đây, lần này, người dân bình tĩnh hơn, cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành y tế chỉ đạo bài bản hơn. Tình hình thị trường, giá cả ổn định, không có nạn đầu cơ, tích trữ, khan hiếm hàng hóa xảy ra. Tình trạng thiếu sinh phẩm, một số thiết bị y tế được khắc phục kịp thời, vừa bảo đảm phương tiện chống dịch, vừa chống tham nhũng, tiêu cực.
Lưu ý thời gian tuần này đến giữa tuần sau là thời điểm cần quan tâm, Thủ tướng đặt vấn đề, biện pháp nào cần tiếp tục để bảo đảm công cuộc chống dịch COVID-19 thành công. Từ đợt dịch vừa xuất hiện, rút ra bài học kinh nghiệm nào.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 23/7/2020 đến nay đã ghi nhận 451 trường hợp, trong đó có 46 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và 405 trường hợp lây nhiễm trong nước tại 15 tỉnh, thành phố.
Nhận định tình hình, Bộ Y tế cho biết, ổ dịch tại Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát, đã hạn chế được việc lây lan rộng ra cộng đồng, số trường hợp mắc mới ghi nhận giảm trong những ngày gần đây. Các trường hợp mắc bệnh ghi nhận tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua phần lớn là các trường hợp tại các bệnh viện trong thời gian bị phong tỏa (43 trường họp) và các trường hợp tiếp xúc gần (Fl) với các trường hợp mắc bệnh đã được cách ly y tế tập trung (172 trường hợp).
Trong 17 bệnh nhân tử vong có 10 nữ và 7 nam, độ tuổi dao động từ 33-86 tuổi (11 người trên 60 tuổi). Các trường hợp tử vong đều có bệnh lý nền nặng với 82,4% có nhiều hơn 1 bệnh lý kèm theo, phổ biến nhất là suy thận mạn (12), tăng huyết áp (8), đái tháo đường (8), tim mạch (7) và ung thư (3), nên nguy cơ tử vong rất cao và có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường họp tử vong trong nhóm các bệnh nhân này trong thời gian tới.
Do phần lớn không có triệu chứng mắc bệnh (khoảng 40%) nên việc phát hiện các trường hợp này tại các cơ sở y tế là rất khó (trường hợp bệnh đầu tiên chỉ được phát hiện khi có triệu chứng tại Bệnh viện C Đà Nẵng nhưng hoàn toàn không có biểu hiện gì khi đến Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng...). Việc nâng cao năng lực cho các tuyến và thực hiện khám chữa bệnh từ xa là rất cần thiết để chủ động sàng lọc bệnh nhân và có thể xét nghiệm ngay tại tuyến huyện, thực hiện cách ly điều trị tại tuyến tỉnh.
Theo Bộ Y tế, mặc dù đợt dịch này đã từng bước được kiểm soát và hạn chế được khả năng lây lan rộng ra cộng đồng, tuy nhiên trong thời gian tới vẫn có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các trường hợp mắc bệnh rải rác từ các trường hợp nhiễm SARS- CoV-2 chưa được phát hiện trong cộng đồng.
Ca nghi mắc COVID-19 mới không có mối liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trên địa bàn thành phố từ ngày 25/7 đến nay có 30 ca bệnh, trong đó 8 ca trong cộng đồng và 22 ca nhập cảnh từ các khu vực cách ly tập trung. Đặc biệt, trong ngày 11/8, Hà Nội phát hiện một ca mắc mới là người dân của tỉnh Hải Dương đến khám bệnh tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã có kết quả dương tính của CDC Hà Nội và đang chờ Bộ Y tế công bố.
Thông tin cụ thể về ca bệnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, ca nhiễm mới là bệnh nhân 63 tuổi, địa chỉ tại xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Trong vòng một tháng, bệnh nhân không đi ra khỏi địa bàn Hải Dương.
Ngày 27/7, bệnh nhân xuất hiện tức ngực, được con đưa đi khám tại Phòng khám tư 36 Ngô Quyền, phường Phạm Ngũ Lão, Hải Dương, chẩn đoán trào ngược dạ dày. Ngày 30/7 có biểu hiện sốt nhẹ, ngày 3/8 bệnh nhân đi xe buýt từ huyện Bình Giang lên thành phố Hải Dương để dự đám cưới.
Ngày 8/8 bệnh nhân được con đưa đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108 để khám bệnh và được chẩn đoán viêm phổi, kê đơn về điều trị tại nhà. Sau khi khám xong, bệnh nhân về nhà con gái tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
Ngày 9/8, bệnh nhân xuất hiện mệt nhiều sốt 38 độ, tức ngực, khó thở. Gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Bệnh nhân thực hiện khai báo y tế và phòng khám sàng lọc COVID-19. Sau khi chụp X quang thấy hình ảnh viêm phổi, bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly nằm điều trị tại một phòng riêng với chẩn đoán viêm phổi nặng.
Ngày 10/8, bệnh nhân được Bệnh viện Thanh Nhàn lấy mẫu gửi CDC Hà Nội xét nghiệm, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. Ngày 11/8, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả sàng lọc dương tính. Sau đó mẫu bệnh phẩm được gửi ngay đến CDC Hà Nội để xét nghiệm khẳng định có kết quả dương tính.
Theo điều tra ban đầu, bệnh nhân không có mối liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng, chưa rõ nguồn lây bệnh. Từ khi vào bệnh viện được quản lý chặt chẽ, xét nghiệm lần đầu tại bệnh viện âm tính, vì vậy khả năng lây lan ra cộng đồng trước đó cũng sẽ hạn chế.
Đồng thời với việc đưa bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương 2, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo truy vết điều tra toàn bộ F1, F2 trên địa bàn của thành phố, khoanh vùng xử lý nơi ở, quán bia, gia đình bệnh nhân đã cư trú, làm việc với Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Bệnh viện Thanh Nhàn, theo báo cáo của hai bệnh viện thì quản lý đúng theo quy trình, hướng dẫn, phân luồng khám chữa bệnh theo quy định; đồng thời Thành phố cũng thông báo với tỉnh Hải Dương để tiến hành điều tra và tổ chức phòng, chống dịch liên quan đến bệnh nhân.
Báo cáo thêm về các hoạt động phòng, chống dịch thành phố đã triển khai trong tuần qua, đồng chí Ngô Văn Quý cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Thành phố đã làm việc với tập thể lãnh đạo Bộ Y tế, các Cục, Vụ, Viện về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn của Thủ đô.
Thường trực Thành ủy đã họp, nghe và có ý kiến chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch; Ban Chỉ đạo của Thành phố tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến thường xuyên với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tập trung vào công tác tuyên truyền, khoanh vùng dập dịch và xét nghiệm. Triển khai tập trung công tác lấy mẫu xét nghiệm những người từ Đà Nẵng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố. Thực hiện công tác phòng, chống dịch trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quốc gia. Tạo điều kiện để các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo lao động kỹ thuật cao cùng với người thân nhập cảnh, cách ly tại các khách sạn của Hà Nội theo chỉ đạo của Trung ương.
Về điều tra, xác minh trường hợp tiếp xúc với ca bệnh, tổng số ca F1 là 504 ca lấy mẫu xét nghiệm đã có kết quả 486 mẫu, trong đó có 485 mẫu âm tính và 1 mẫu dương tính; tổng số F2 là 2.762 người đã được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà. Từ chiều 8/8, thành phố đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho những người từ Đà Nẵng về trong thời gian từ 15 đến 29/7, gửi các đơn vị của Bộ Y tế xét nghiệm, đến 12h trưa nay (12/8) đã lấy được 14.427 mẫu, đã có kết quả 11.039 mẫu đều âm tính trên tổng số số người cần xét nghiệm là 76.922 người.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, tổng số người hiện còn cách ly tập trung là 1.680 người, trong đó cách ly tại các khu tập trung Quân đội 1.131 người, tại khách sạn 321 người, cách ly tổ bay 125 người, tại nơi khác là 105 người. Vào chiều nay, thành phố sẽ đón 409 người từ Đà Nẵng bị kẹt về Hà Nội để cách ly và xét nghiệm và ngày mai sẽ đón nốt 500 người, tổng số hơn 900 người từ Đà Nẵng về để thực hiện cách ly theo quy định.
Xác định tuần tới sẽ là trọng điểm trong công tác phòng, chống dịch của Thủ đô vì vậy, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, của Thành ủy và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố. Không lơ là chủ quan, đảm bảo kiểm soát hiệu quả, không để dịch lây lan rộng trên địa bàn thành phố. Thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch bệnh nhưng đồng thời cũng phát triển sản xuất kinh doanh để phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội của năm 2020.
Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết; thực hiện hiếu - hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh; tiếp tục dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ như karaoke, quán bar, vũ trường, các cơ sở sản xuất và kinh doanh khác còn lại phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong vận chuyển hành khách công cộng, hành khách và lái xe phải đeo khẩu trang, bố trí dung dịch sát khuẩn để hành khách vệ sinh sát khuẩn tay.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện công tác phòng, chống dịch trong cơ quan, đơn vị và hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không tổ chức liên hoan, tiệc mừng, khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin không để đình trệ công việc, nhất là công việc có thời hạn liên quan đến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Song song với đó, Thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế và các quận, huyện chỉ đạo tập trung kiểm tra, kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để khi phát hiện ca lây nhiễm, xuất hiện ổ dịch trên địa bàn; Khi phát hiện ca bệnh dương tính thì khoanh vùng khử khuẩn những địa điểm liên quan theo quy định. Đồng thời khẩn trương truy vết những trường hợp F1, F2, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo quy định của Bộ Y tế.
Tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm PCR tất cả các trường hợp về từ Đà Nẵng. Tổ chức cách ly tập trung theo đúng quy định đối với các chuyên gia, nhà quản lý, lao động chất lượng cao và trên 900 người mắc kẹt từ Đà Nẵng trở về...
Công Thọ - Theo KTĐT