Đi tìm lời giải
Báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội mới đây cho thấy, trong quý I/2020, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô được duy trì song hầu hết các chỉ tiêu đều thấp hơn so với cùng kỳ. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%). Mức tăng trưởng 3,72% là nhờ duy trì tăng trưởng của ngành công nghiệp - xây dựng trong tháng 1 và 2, thời điểm chưa chịu tác động của dịch Covid-19.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện nghiêm tinh thần “Hà Nội phải làm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tốt nhất, gương mẫu nhất” và “Thủ đô cũng tiếp tục gương mẫu, chủ động trong phục hồi kinh tế, xã hội sau dịch”
Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, thành phố dự báo và xây dựng 3 kịch bản để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với kế hoạch năm 2020 đã đề ra (bằng khoảng 1,3 lần cả nước) với tốc độ tăng trưởng 7,5%. Đồng thời, thành phố ban hành kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19.
Hà Nội vừa tổ chức hội nghị bàn giải pháp phục hồi kinh tế
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền, để đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm thì 9 tháng cuối năm, thành phố phải có mức tăng trưởng 8,6%. Đây là chỉ tiêu rất cao và cần rất nhiều nỗ lực thì mới có thể hoàn thành.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho hay, nếu không đạt mức tăng trưởng trong năm 2020, thì tính chung giai đoạn 5 năm (2016 - 2020), thành phố cũng không đạt kế hoạch đề ra là từ 7,3 đến 7,8%. Đây là một trong 13 chỉ tiêu mà Đảng bộ thành phố trước đó đã đặt ra.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Sở, ngành, quận huyện tiếp tục tập trung vào nhóm 136 nhiệm vụ của UBND thành phố. Trong đó, ngành nông nghiệp cần tiếp tục tái đàn lợn, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, trồng cây ngắn ngày.
Với những ngành vẫn có khả năng tăng trưởng trong mùa dịch thì cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển như lĩnh vực thông tin truyền thông, thương mại điện tử, thanh toán online. Ngoài ra, thành phố cần quan tâm đến một số lĩnh vực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 như sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế...
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đấu thầu đối với những dự án đã được phê duyệt; thúc đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân đối với các dự án thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng, hiện nay các doanh nghiệp của thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu, nhất là từ các nước Mỹ, khối EU, trừ thị trường Trung Quốc đang trên đà phục hồi và ổn định. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu đang bị phong tỏa do các nước chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì thế, các đơn hàng sản xuất trong quý II và trước đó cũng bị đình trệ, gặp nhiều khó khăn.
Qua khảo sát, doanh thu các đơn vị thương mại Hà Nội giảm 6 - 10%, duy chỉ có lương thực, thực phẩm tăng từ 2 - 4%. Sở Công thương cũng nhận định mảng dịch vụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quý II. Giải pháp tăng xuất khẩu trong quý II cũng rất khó do các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU chưa có dấu hiệu khả quan.
Theo Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, thị trường ngoài nước tuy còn khó vực dậy nhưng thị trường trong nước vẫn còn khả quan với phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Vì vậy, lãnh đạo Sở Công thương mong muốn các Sở, ngành, địa phương quyết liệt để phát triển thị trường trong nước.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp Chu Phú Mỹ cho biết, trong Quý I/2020, toàn ngành giảm 1,17% trong 3 tháng đầu năm. Ngành đã xây dựng 3 kịch bản: Kịch bản 1 là tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 3,6%; kịch bản 2 là tăng trưởng 3,9%; kịch bản 3 là tăng trưởng 4,12%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 đạt hơn 4,6%, ngành Nông nghiệp kiến nghị thành phố hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết để đẩy mạnh quảng bá nông sản trong thành phố và cả nước, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.
Tận dụng thời điểm vàng
Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn, trong giai đoạn cả nước đang chuyển sang “sống chung với dịch bệnh", việc dự báo, xác định kịch bản để khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội là rất quan trọng.
Hiện, thành phố đưa ra 3 kịch bản ứng phó với 3 cấp độ khác nhau của dịch bệnh, tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, chỉ cần 1 kịch bản là đủ.
Cụ thể, kịch bản ứng phó có thể là kịch bản 1 mà thành phố đã đưa ra nhưng được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là đến hết tháng 4, nửa đầu tháng 5, thành phố cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 và chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch bệnh. Tháng 5, 6 thành phố sẽ khôi phục hoạt động kinh tế xã hội, đây là giai đoạn trung gian. Giai đoạn tiếp theo là quý III và IV, thành phố sẽ tập trung nguồn lực, phát triển mạnh trở lại bù đắp thiệt hại do dịch bệnh. Trong đó, thành phố cần thiết phải xây dựng ngay bộ tiêu chí đồng bộ toàn diện ngành và lĩnh vực 2 cấp độ ứng với 2 giai đoạn để phòng, chống dịch. Nếu có tình huống phát sinh xấu hơn thì linh hoạt điều chỉnh kịch bản chính.
“Chúng ta phải tận dụng khoảng thời gian vàng để khôi phục phát triển kinh tế, xã hội. Chúng ta đề xuất 3 kịch bản nhưng dịch bệnh khó lường, cần phải đặt sớm các mục tiêu rõ ràng”, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm nhận định.
TP Hà Nội tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội
Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cũng kiến nghị thành phố cân nhắc việc cắt giảm chi thường xuyên để khắc phục khó khăn trong giai đoạn này, nên cắt giảm 20% chi thường xuyên thay vì 10% như quyết định trước đó.
Cũng theo ông Tuấn, thành phố lập kịch bản riêng cho lĩnh vực du lịch, để “giải cứu” ngành này. Trong đó, bao gồm phát triển hoạt động văn hóa, xã hội, khai thác du lịch nội địa, phân loại khách du lịch nước ngoài.
Từ phương diện địa phương, theo Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương, quý II/2020 sẽ là thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lộ diện. Để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của thành phố, huyện đã xây dựng các kịch bản để phát huy nội lực của địa phương và tận dụng nguồn lực hỗ trợ của thành phố.
Không phải tới thời điểm này, Hà Nội mới quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội.
Thực tế, ngay từ những ngày đầu chống dịch, bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống Covid-19, Thành ủy và UBND thành phố cũng rất quyết liệt trên mặt trận thứ hai - mặt trận kinh tế. Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy đã làm việc, chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội như: Tăng cường sản xuất nông nghiệp, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố; giải ngân vốn đầu tư công; làm việc với Đảng bộ khối doanh nghiệp Hà Nội và 11 tổng công ty lớn của thành phố.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên đã đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Thành phố là địa phương đầu tiên cả nước được Thủ tướng Chính phủ quan tâm làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy về kinh tế, xã hội…
Sự quyết liệt của thành phố đã và đang hình thành nên một khí thế và quyết tâm mới, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công xưởng, nhà máy, từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố...