Hà Nội chủ động rà soát để hỗ trợ các đối tượng khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong ảnh: đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Thanh Oai trao hỗ trợ cho người nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Nguyên Hoa
Rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng
Với tinh thần vừa tập trung chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm an sinh xã hội, nên ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, thành phố Hà Nội đã định hướng cho các ngành, địa phương chủ động rà soát, khoanh vùng các đối tượng thụ hưởng. Qua rà soát bước đầu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã xác định được hơn 50.000 hộ nghèo, cận nghèo, hơn 88.000 người có công và hơn 182.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Các nhóm đối tượng khác cũng đang được các địa phương điều tra, rà soát để có phương án trợ giúp phù hợp. Chẳng hạn, quận Ba Đình xác định có gần 3.000 hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng; quận Long Biên ghi nhận gần 10.000 người lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Là đối tượng thuộc diện hộ nghèo, bà Trần Thị Nghĩa, thôn Phú Nghĩa, xã Phú Đông (huyện Ba Vì) phấn khởi: “Nguồn lực trợ giúp đến với những hoàn cảnh khó khăn thể hiện sự quan tâm toàn diện của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đến đối tượng yếu thế. Đó là động lực để người dân cố gắng từng bước ổn định đời sống”. Còn anh Dương Văn Tấn, công nhân Công ty TNHH BLD Vina, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh) cho biết, anh phải tạm nghỉ làm do công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Không có thu nhập, lại không thể về quê khi đang cách ly xã hội, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. “Nếu không có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội, cuộc sống của tôi sẽ rất chật vật. Tôi mong gói hỗ trợ an sinh xã hội sớm đến với những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, anh Tấn bày tỏ.
Không riêng những trường hợp nêu trên, hiện trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước có hàng triệu người rơi vào hoàn cảnh khó khăn cần được trợ giúp. Tuy nhiên, Hà Nội là địa bàn tập trung đông dân cư, đối tượng nhiều và đa dạng, nên việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP bảo đảm đúng người, trúng đối tượng không dễ thực hiện, nhất là với nhóm lao động tự do. “Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động khi chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động tự do không có việc làm hiện nay rất đông, nhưng họ không còn ở Hà Nội, mà đã về địa phương, thì phải điều tra, thống kê thế nào để tránh bỏ sót hoặc chồng chéo là điều không đơn giản”, ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh phản ánh. Còn ông Đặng Quyết Thắng, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì đặt câu hỏi: “Tiêu chí xác định hộ nghèo, cận nghèo của thành phố Hà Nội cao hơn chuẩn nghèo của trung ương, vậy quá trình rà soát đối tượng thụ hưởng, các địa phương nên căn cứ theo tiêu chí nào?”…
Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội trao hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai).
Thực thi linh hoạt, công khai, công bằng
Để triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ, khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Song, để các nguồn lực trợ giúp sớm đến với các đối tượng được thụ hưởng, các ngành, địa phương trên địa bàn Hà Nội đã, đang nỗ lực vào cuộc.
Bà Đỗ Thị Minh Loan, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Hà Đông cho biết, sau khi khoanh vùng hơn 8.000 đối tượng thuộc hộ người có công, cận nghèo, bảo trợ xã hội, quận tiếp tục rà soát được hàng trăm đối tượng bị trùng, được hưởng ở nhiều nhóm hỗ trợ khác nhau theo Nghị quyết số 42/NQ-CP. Với các trường hợp này, quận đã phân tích cho họ hiểu, mỗi người chỉ nhận được một mức hỗ trợ cao nhất.
Với nhóm lao động tự do, ông Trần Ngọc Nghìn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức cho hay, huyện sẽ căn cứ vào sổ ghi chép cung - cầu lao động hằng năm ở thôn, làng, tổ dân phố để xác định rõ những người bị mất việc làm. Người đứng đầu các hội, đoàn thể, tổ trưởng tổ dân phố, khu dân cư có trách nhiệm khoanh vùng những lao động tự do cần trợ giúp, sau đó lấy ý kiến của người dân.
Theo ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, huyện đang xây dựng quy trình triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP theo hướng nhanh gọn, hiệu quả, công bằng. Một số đối tượng dự kiến được hỗ trợ phải làm đơn đề nghị, có xác nhận của cơ quan liên quan, như đại diện đơn vị sử dụng lao động, chính quyền địa phương. Danh sách các đối tượng dự kiến được thụ hưởng sẽ được thông báo, niêm yết công khai để mọi người biết và giám sát.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, việc triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP trên địa bàn thành phố được cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt. Tiêu chí để rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố Hà Nội; còn tiêu chí để xác định lao động tự do theo hướng dẫn của trung ương. Bên cạnh đó, việc khoanh vùng đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể sẽ được tiến hành thông qua sự phối hợp liên ngành, liên địa phương để tránh bỏ sót hoặc chồng chéo.
“Đối tượng người có công, bảo trợ xã hội do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội kê khai, chi trả; đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động tự do do UBND cấp xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm; đối tượng tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan Bảo hiểm xã hội đảm nhận…”, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết thêm.
Nhờ sự cộng đồng trách nhiệm của các bên liên quan, các đối tượng thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm xã hội sẽ nhận được sự hỗ trợ trong tháng 4; đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo sẽ nhận được sự hỗ trợ vào cuối tháng 4, đầu tháng 5-2020. Còn lao động tự do có thể nhận được sự trợ giúp muộn hơn, nhưng tất cả các trường hợp đủ điều kiện thụ hưởng đều được tiếp cận với gói an sinh xã hội chưa từng có tiền lệ trong quý II năm nay, để góp phần ổn định cuộc sống trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.