Hoài Đức, Hà Nội: Đấu giá 269 lô đất không theo phương thức trả giá lên

15/07/2023 11:11

Kinhte&Xahoi KLTT của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những bất cập trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Kết luận thanh tra (KLTT) của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những bất cập trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Lai Xá xã Kim Chung và khu Cổ Bồng xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Internet

Đấu giá 269 thửa đất không theo phương thức trả giá lên

Cụ thể, ngày 27/4/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 99/KH- UBND về đấu giá quyền sử dụng đất năm 2018 và giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn, trong đó có dự án đấu giá khu Trũng Trên - Đìa Các, xã Kim Chung nhưng UBND huyện Hoài Đức đã thực hiện việc đấu giá đất trước khi UBND TP phê duyệt kế hoạch đấu giá đất.

Phương án đấu giá ban hành tại Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 19/1/2018 của UBND huyện Hoài Đức có quy định đấu giá theo phương thức trả giá lên, nhưng trên thực tế đã tổ chức đấu giá 269 thửa đất với hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp 1 vòng, không theo phương thức trả giá lên. Việc làm trên là không đúng quy định tại Điều 40, Điều 42 Luật Đấu giá tài sản.

Phòng Tài chính - Kế hoạch thiếu công khai trong việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá đất Trũng Trên - Đìa Các. Ngày 19/01/2018, UBND huyện Hoài Đức mới phê duyệt kế hoạch đấu giá khu đất Trũng Trên - Đìa Các, nhưng ngày 15/01/2018 Phòng Tài chính - Kế hoạch đã thương thảo và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thẩm định giá, thiếu sự công khai lựa chọn đơn vị thẩm định giá.

Sau 1 năm ký hợp đồng, dù chưa có nghiệm thu sản phẩm và thanh quyết toán nhưng UBND huyện và đơn vị thẩm định giá vẫn lấy kết quả làm cơ sở thẩm định giá. Việc không công khai lựa chọn đơn vị tư vấn tư vấn thẩm định giá, chậm nghiệm thu, thanh quyết toán thuộc trách nhiệm của phòng Tài chính - Kế hoạch.

Quá trình khảo sát giá, đơn vị thẩm định giá bỏ qua nhiều nội dung tham khảo giá, không tham khảo giá các vị trí đã đấu giá thành công trong khu vực; thông tin giá bất động sản trên sàn, chưa có chi phí đầu tư hạ tầng; quá trình thẩm định giá khởi điểm không có văn bản thẩm định của các đơn vị có liên quan, chỉ có biên bản chung trình UBND huyện phê duyệt giá khởi điểm. Trách nhiệm thuộc Phòng Tài chính - Kế hoạch.

UBND huyện Hoài Đức vi phạm Luật Đấu giá tài sản

KLTT cũng chỉ ra, mặc dù không ký hợp đồng với với đơn vị đấu giá là Công ty CP Đấu giá và Thương mại Việt Nam, nhưng Trung tâm Phát triển quỹ đất vẫn đứng ra thu tiền đặt trước của khách hàng bằng hình thức khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của Trung tâm là không đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản.

KLTT chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Lai Xá xã Kim Chung và khu Cổ Bồng xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Ảnh minh hoạ/Internet.

Số tiền đặt trước của khách hàng được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản (Công ty CP Đấu giá và Thương mại Việt Nam) tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, việc đặt tiền trả trước chỉ được thu bằng tiền mặt khi số tiền dưới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, Trung tâm Phát triển quỹ đất vẫn thu tiền mặt 9,5 tỷ đồng (ông Nguyễn Trọng Tùng nộp 4,3 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Nhàn 5,2 tỷ đồng) là không đúng quy định.

Theo quy chế đấu giá, mỗi hộ gia đình chỉ được 1 cá nhân tham gia đấu giá. Tuy nhiên, tại phiên đấu giá ngày 11/02/2019, khu Trũng Trên - Đìa Các có 7 hộ gia đình có từ 2 đến 3 người cùng hộ khẩu, phô tô chia tách hộ khẩu để tham gia trong cùng một phiên đấu giá là vi phạm.

Đơn vị tổ chức phiên đấu giá thiếu chặt chẽ trong công tác phát hành hồ sơ tài liệu, có nhiều phiếu thu không có chữ ký của người nộp tiền và người thu tiền, vi phạm quy định tại khoản 6, Điều 33, Luật Đấu giá. Nguyên nhân do việc giám sát thiếu chặt chẽ của chủ tài sản, đơn vị được giao tổ chức việc đấu giá (Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức) và đơn vị đấu giá tài sản (Công ty CP Đấu giá và Thương mại Việt Nam).

KLTT chỉ rõ, UBND huyện Hoài Đức phê duyệt hình thức đấu giá và phương thức đấu giá trong Quyết định số 368 là không theo quy định Luật Đấu giá tài sản, làm giảm tính cạnh tranh trong đấu giá.

Tại khu đấu giá Cổ Bồng, Thanh tra Chính phủ phát hiện có việc ký hợp đồng đấu giá trước khi phê duyệt giá khởi điểm. Việc lựa chọn và ký hợp đồng thực hiện trước quyết định phê duyệt giá khởi điểm là chưa đúng với quy định tại Nghị định 17 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản. 

Ngoài ra, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện và Công ty CP Đấu giá và Thương mại Việt Nam còn tự ý hoãn tổ chức đấu giá 4 lô đất (số 29, 30, 31, 32) có tổng diện tích 203,82 m2 mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận là tùy tiện, không đúng theo kế hoạch. Trách nhiệm thuộc đơn vị tổ chức đấu giá và đơn vị đấu giá tài sản.

Kiến nghị kiểm điểm cá nhân, tập thể để xảy ra tồn tại, hạn chế

Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện tổ chức đấu giá đất các khu đất có diện tích trên 5.000 m2 và giá trị trên 30 tỷ đồng để bảo đảm thực hiện đúng quy định và kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện, không để xảy ra tình trạng chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về nguyên tắc, trình tự tiến hành trong quá trình tổ chức đấu giá.

UBND huyện Hoài Đức tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến những thiếu sót được chỉ ra qua thanh tra đối với việc đấu giá khu đất Trũng Trên - Đìa Các; rà soát, chấn chỉnh lại công tác tổ chức đấu giá đất, đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức kiểm điểm trách nhiệm trong quá trình tố chức đấu giá đã đế xay ra sai sót, thiếu chặt chẽ, tham mưu và trình phương án đấu giá sai quy định.

Kiểm điểm trách nhiệm đơn vị làm công tác thẩm định phương án đấu giá là Phòng Tài nguyên và Môi trường do thiếu chặt chẽ trong công tác thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt Kế hoạch đấu giá, trong đó có việc phê duyệt quy chế đấu giá theo phương thức trả giá lên nhưng cho phép bỏ phiếu 1 vòng, trái với nguyên tắc trả giá lên.

Xử lý vi phạm đối với đơn vị tổ chức phiên đấu giá là Cty CP Đấu giá và Thương mại Việt Nam, đơn vị được giao tố chức phiên đấu giá nhưng không tuân thủ nguyên tắc trong đấu giá, ban hành quy chế đấu giá và thực hiện hiện phiên đấu giá không đúng quy định….

Đối với việc đấu giá khu đất Cổ Bồng, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức kiểm điểm trách nhiệm và sớm khắc phục những tồn tại, thiếu sót về trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá và việc để lại không đấu giá 4 lô đất.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi sự việc có diễn biến mới.

Châu Anh - Tường Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Phóng sự: Lời thề giữa biển

Trường Sa! Hai tiếng thiêng liêng, sâu nặng trong trái tim của bao thế hệ người dân Việt Nam. Trường Sa! trạm gác tiền tiêu, pháo đài canh gác, lá chắn vững chắc từ hướng biển; là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng với quốc phòng, an ninh đất nước.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/hoai-duc-ha-noi-dau-gia-269-lo-dat-khong-theo-phuong-thuc-tra-gia-len-d196223.html