Bộ GD-ĐT gấp rút xây dựng quy định để đảm bảo chất lượng bài giảng online và trên truyền hình
Về dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình đang được cho là biện pháp thay thế học trực tiếp trong giai đoạn nghỉ kéo dài vì dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, đối với bậc phổ thông, quy định về dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình sẽ sớm được ban hành, làm cơ sở cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả theo chương trình giáo dục đã được tinh giản.
Việc xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử từ các nội dung chương trình sau khi đã tinh giản, theo Bộ trưởng, sẽ được Bộ GDĐT chỉ đạo sát sao để không “buông lỏng” chất lượng.
“Trong những ngày tới, Bộ GDĐT sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm phối hợp hỗ trợ miễn phí nền tảng công nghệ cho phương thức dạy học online, dạy học qua truyền hình cho các địa phương, các nhà trường. Bộ GDĐT cũng sẽ tổ chức họp trực tuyến với 63 sở GDĐT ngay trong tuần này để thống nhất triển khai thực hiện tinh giản nội dung dạy học, triển khai dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả” - Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ một phần khó khăn cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập, không chỉ dừng ở văn bản đề xuất mà cần có hành động cụ thể.
Bộ trưởng cũng gửi lời động viên, chia sẻ sâu sắc tới giáo viên, học sinh và phụ huynh trên cả nước và mong rằng, các nhà trường, học sinh, phụ huynh yên tâm, tiếp tục chủ động phối hợp với ngành giáo dục để vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh, vừa đảm bảo việc dạy và học với phương châm, học sinh không đến trường nhưng việc học không gián đoạn.
Bộ trưởng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ rà soát để tinh giản nội dung môn học; khẩn trương xây dựng và công bố đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 phù hợp việc tinh giản nội dung, làm cơ sở cho thầy trò yên tâm, ôn luyện.
Theo đó, các đơn vị chuyên môn cần tập trung rà soát, điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; lựa chọn các chủ đề có thể tích hợp của từng môn học hoặc liên môn.