Kiếm tiền triệu từ thứ quả "...rụng bị bà" dịp Rằm tháng 7

24/08/2020 16:09

Kinhte&Xahoi Gần tới Rằm tháng 7, những trái thị vàng ươm, thơm phức đã trở thành thứ hàng quà được người dân Hà Thành săn đón. Cũng vì thế, người bán thị có thể dễ kiếm được cả chục triệu đồng.

Những ngày chính vụ, chị Thúy bán hơn 25 kg quả thị chín

"Thị ơi..."giá từ 60.000-80.000 đồng/kg

Đã hơn 10 năm nay, chị Trần Thị Thúy quê ở Ân Thi, Hưng Yên làm nghề bán hoa quả rong ở khu chợ Đồng Xuân - Bắc Qua (Hà Nội).

Khi tiết trời chớm thu cũng là thời điểm các vườn thị quanh Hà Nội chín rộ, chị Thúy chuyển hẳn sang bán thứ hàng quà truyền thống này.

Chị Thúy chia sẻ: “Nhà tôi có duy nhất một cây thị, nhưng mỗi năm cũng cho thu hoạch khoảng 300 kg quả. Với giá bán ra 70.000 đồng/cân, tôi thu về khoảng 20 triệu đồng cho mỗi mùa thị”.

Để quả thị đến tay người mua vừa kịp chín, thơm hương và không bị dập nát, người hái phải chọn hái từ lúc quả chớm chín.

Chính vì vậy, một công đoạn nhịp nhàng được thực hiện giữa hai vợ chồng chị trong suốt mùa thị. Khi buổi sáng chị Thuý đi bán hàng, chồng chị ở nhà đã bắt đầu hái để chiều gửi xe lên Hà Nội phục vụ buổi hàng hôm sau.

Cùng làm nghề bán thị ở Hà Nội trong những ngày này, chị Nguyễn Thị Hiền, quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ cho biết: “Tôi mua buôn quả thị từ các thương lái với giá 50.000 đồng/kg rồi đem đi bán khắp Hà Nội, với giá 60.000 - 80.000 đồng/kg. Mỗi ngày tôi bán được khoảng 25- 30kg quả thị”.

Quả thị được bày bán tại các sạp hàng rong 

Chị Hiền chia sẻ: “Quả thị ăn không được ngon như các loại quả khác vì có vị ngọt chát. Nhưng có mùi hương thơm dịu, dễ chịu nên rất đắt khách. Nhiều hôm không đủ hàng để bán vì nguồn hàng phụ thuộc vào thương lái đi thu mua ở các vùng quê”.

Theo nhiều người bán hàng, quả thị có 2 loại: Thị tròn và thị sáp. Thị sáp thường có giá cao hơn vì hình dáng đẹp, không có hạt lại có mùi thơm hơn. Trong khi đó, thị tròn cho quả to, có hạt và có thể để được nhiều ngày trước khi chín.

Sát tới ngày Rằm tháng 7, nhu cầu tiêu thụ thị tăng cao. Nhiều khách tìm tới mua. Khách hàng là các bà nội trợ, các cô giá trẻ, các chủ tiệm vàng hoặc hộ kinh doanh mua...

“Quả thị có hình dáng, màu sắc giống thỏi vàng nên giới kinh doanh rất chuộng tìm mua về thờ cúng. Nhiều khách quen còn đặt tôi theo các ngày lẻ là đem đến nhà, từ đầu mùa đến cuối mùa” - chị Hiền cho biết thêm.

Quả thị sáp

Cũng theo chị Hiền, nhiều khách hàng đi đường không ngại bỏ ra 10.000 đồng mua 1 quả thị để tận hưởng cảm giác của mùa thu Hà Nội và nhớ lại những ký ức tuổi thơ.

Anh Phạm Văn Tùng (quê ở Phú Xuyên, Hà Nội) ghé qua hàng thị với mong muốn tìm lại chút ký ức tuổi thơ. Gia đình anh từng trồng 1 cây thị lớn, nhưng về sau phải chặt hạ để xây nhà.

“Mình đi qua thấy hàng thị thơm quá nên ghé vào mua. Cây thị gắn bó với bao kỷ niệm tuổi thơ của mình cũng như nhiều người với câu nói "Thị ơi, thị rụng bị bà..." trong truyện cổ tích Tấm Cám" - anh Phạm Văn Tùng bộc bạch.

Có cây thị như... "cây vàng" sống

Là một thương lái có tiếng, chuyên cung cấp thị cho các gánh hàng rong, chị Trần Thị Thủy trú tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Mỗi mùa thị là cả gia đình tôi tất bật, chồng tôi thì đi hái cả ngày. Tôi thì đi giao cho khách. Cứ nghe ngóng được thông tin ở đâu có cây thị là phải đi ngay kể cả cách xa hàng trăm km”.

Theo chị Thủy, thị chủ yếu được hái từ các nơi như Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang, gần hơn thì Ba Vì, Sơn Tây. Vì trước đây hiệu quả kinh tế không cao nên người dân chặt hạ nhiều để lấy diện tích trồng cây khác.

 “Việc tìm kiếm, thu hái bởi thế gặp rất nhiều khó khăn, hiếm lắm mới tìm được nhà có 2 cây thị. Mỗi năm gia đình tôi cung cấp hàng chục tấn thị ra thị trường trừ chi phí cũng thu về 60 - 70 triệu đồng” - chị Thủy cho biết thêm.

Cũng theo chị Thủy, mùa thị chín bắt đầu từ tháng 5- 8 âm lịch. Trong hơn 3 tháng ấy, thị chín rất nhanh, chỉ cần qua 1 đêm là cả cây nhuộm sắc vàng của quả thị chín.

Là người may mắn còn sở hữu 3 cây thị thuộc loại cổ thụ, anh Nguyễn Đình Thịnh (trú tại thôn Ải, Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội) thường được hàng xóm gọi vui là người có 3 cây “vàng”.

Anh Nguyễn Đình Thịnh dùng cây khèo để hái thị

Theo anh Thịnh, 3 cây thị nhà anh đều có tuổi thọ khoảng 400 năm. Mỗi năm, các cây cho sản lượng khoảng 1,5 tấn quả. Với giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg tại nhà, anh Thịnh thu về khoảng 70 triệu đồng mỗi năm.

Anh Nguyễn Đình Thịnh cho hay: “Thị nhà tôi thuộc giống thị sáp nên được nhiều thương lái săn đón. Vài năm gần đây thương lái đến đặt hàng từ lúc thị vừa tàn hoa”.

Cũng theo anh Thịnh, 3 cây thị nhà anh có những năm đến mùa chín rộ cho không ai lấy, bán chẳng ai mua, thị chín vàng cả cây không ai hái. Những ngày mưa dông, thị rụng đầy sân phải dùng xẻng xúc bỏ đi.

Cây thị hàng trăm năm tuổi tại nhà anh Thịnh

“Trong làng tôi cách đây 30 năm có đến hàng trăm cây thị, thế nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế nên người ta chặt hết. Giờ chỉ còn nhà tôi với một vài hộ nữa còn giữ” - anh Thịnh cho hay.

Theo anh Thịnh, cây thị toả bóng rộng khoảng 300m vuông

Theo anh Thịnh, nguyên nhân nhiều cây thị bị chặt bỏ cũng là vì quá chậm lớn để thu gỗ, và lâu ra quả khiến thời gian trước người ta không mặn mà gì với cây thị.

“Tôi nghe các cụ kể lại rằng, để 1 cây thị bói những quả đầu tiên mất khoảng 50 năm. Trên thực tế, tôi cũng thử ươm và nhân giống cây thị thế nhưng mỗi năm cây chỉ lớn được khoảng 10 cm” - anh Thịnh bộc bạch.

Anh Thịnh cho biết, cây thị còn là một cây thuốc nam chữa được nhiều bệnh như dị ứng, mụn nhọt, bỏng, đặc biệt là các bệnh về đường ruột như đầy bụng, ợ hơi, táo bón,…

“Nhiều hôm đang đêm cũng có người gọi cửa nhà tôi để xin lá thị về chữa bệnh. Tôi thấy rất vui khi cây thị đem vừa có giá trị chữa bệnh vừa là thức quà gợi nhớ tuổi thơ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình” - anh Thịnh chia sẻ

Phạm Công- Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Ngày đầu thực hiện giãn cách tại các cơ sở kinh doanh ăn uống

Thực hiện chỉ đạo tại Công điện khẩn số 07 của UBND TP Hà Nội, nhiều hàng quán đã thực hiện nghiêm việc giãn cách tối thiểu 1m, tổ chức đo thân nhiệt và bố trí nước sát khuẩn tay cho khách hàng, tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa tự giác thực hiện, vẫn cần sự nhắc nhở, đôn đốc từ lực lượng chức năng.

Hà Nội: Các siêu thị chủ động phòng chống dịch Covid-19

Hiện 50 siêu thị/cửa hàng của chuỗi hệ thống BRGMart, gồm: Intimex, Seikamart; Hapromart; Haprofood ở các tỉnh TP: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã tái khởi động các hoạt động để phòng tránh Covid-19. Toàn bộ cán bộ nhân viên của hệ thống siêu thị/cửa hàng đều phải nghiêm chỉnh thực hiện việc đeo khẩu trang, sát khuẩn bằng cồn trong suốt quá trình làm việc.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/an-sinh/kiem-tien-trieu-tu-thu-qua-rung-bi-ba-dip-ram-thang-7-20200824063918145.htm