Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930 - 17/3/2023) Dấu ấn Đảng trên từng chặng đường phát triển

16/03/2023 08:41

Kinhte&Xahoi Trong công cuộc kháng chiến và dựng xây, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn yêu cầu Hà Nội xác định trách nhiệm vị trí “đầu tàu”, vai trò “gương mẫu” với cả nước và “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác". Khắc ghi lời dặn của Người, trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, Đảng bộ TP Hà Nội đã phát huy vai trò của mình, cùng Thủ đô và cả nước làm nên những thành tựu lớn.

Giành chính quyền về tay Nhân dân

 Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sau sự kiện lịch sử vĩ đại đó, ngày 17/3/1930, tại nhà số 42, phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ Hà Nội được thành lập. Đảng bộ Hà Nội có vinh dự lớn là Đảng bộ được thành lập sớm nhất cả nước.

Từ đây, với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường cùng tinh thần chủ động, sáng tạo... Đảng bộ TP Hà Nội đã lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân ở Thủ đô.

Cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu

Trong đó, cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội thắng lợi đã góp phần quan trọng quyết định kết thúc nhanh chóng cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trên phạm vi cả nước. Cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, theo cố Tổng Bí thư Trường Chinh nhận định là sáng kiến và anh dũng của Nhân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội, cướp ngay lấy thời cơ nổi dậy giành chính quyền.

Khởi nghĩa ở Hà Nội thành công là kết quả của một quá trình chuẩn bị mọi mặt của Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội, từ tổ chức, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, đến tập dượt quần chúng. Đó là thắng lợi của nghệ thuật biết giành thời cơ cách mạng và năng lực tổ chức, phát huy sức mạnh vô địch của Nhân dân “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Khi thời cơ đến, Đảng bộ Hà Nội đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy cao độ lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân, giành thắng lợi trong một khoảng thời gian ngắn, không để lỡ thời cơ.

Đặc biệt, ở thời điểm có tính chất quyết định, Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy Hà Nội đã chủ động, táo bạo tìm ra phương thức khởi nghĩa phù hợp, tổ chức thành công các cuộc đấu tranh ngoại giao, vô hiệu hóa kẻ thù để giành được thắng lợi lớn nhất với tổn thất ít nhất. Đó còn là thành công to lớn của Đảng bộ Hà Nội trong việc vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối chiến lược, sách lược của Đảng vào thực tiễn Hà Nội.

Trong những năm kháng chiến, Đảng bộ TP Hà Nội vừa gây dựng, củng cố tổ chức ở cả vùng tự do và vùng địch tạm chiếm, vừa lãnh đạo quân và dân Hà Nội tham gia cuộc chiến đấu chung trên chiến trường cả nước, vừa trực tiếp chiến đấu trên địa bàn.

Từ năm 1965 - 1975, đế quốc Mỹ tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước bằng không quân và hải quân, trong đó Hà Nội phải đối đầu và đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, lập nên kỳ tích “Điện Biên phủ trên không”. Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội đã lập nên nhiều chiến công và thành tựu to lớn; Đồng thời, ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam. TP Hà Nội đã có hơn 11.000 người con ưu tú hy sinh anh dũng cho sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, góp phần thu non sông về một mối, thống nhất đất nước.

Hà Nội ngày càng hiện đại, tươi đẹp

Đất nước thống nhất, Hà Nội cùng cả nước bước vào thời kỳ tái thiết, phục hồi. Dẫu khó khăn, nhưng trong hoàn cảnh nào, Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô cũng luôn thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và tinh thần gương mẫu, đi đầu.

Với những thành tích đặc biệt, Đảng bộ, quân và dân Thủ đô đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và 4 lần gửi thư khen; Được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ

 Sau hơn 10 năm mở rộng địa giới hành chính và triển khai Luật Thủ đô, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/01/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011- 2020, Hà Nội tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, ngày càng xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

Thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các đảng bộ khác”, Thành ủy và các cấp ủy Hà Nội tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới phong cách lãnh đạo theo hướng khoa học, dân chủ, sâu sát cơ sở; Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Đặc biệt, cấp ủy vừa chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương, linh hoạt, vừa bảo đảm tính toàn diện, vừa lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Nhiều nội dung được đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn của TP như: Nghe và cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong phòng, chống đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng từ đại dịch, giải ngân vốn đầu tư công, vấn đề rác thải...

Thành ủy Hà Nội đã tăng cường tiếp dân, đối thoại với Nhân dân

Thành ủy Hà Nội đã tăng cường tiếp dân, đối thoại với Nhân dân, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, những vụ việc phức tạp ở cơ sở; Lắng nghe và có ý kiến chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thúc đẩy nhiệm vụ của từng đơn vị.

Cùng với đó, nghiên cứu, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành nghị quyết, tập trung vào những nghị quyết mới có tính chuyên đề và chỉ ban hành khi thực sự cần thiết. Nổi bật là Thành ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ và công nghiệp văn hóa; Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Lập Quy hoạch phát triển TP giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050...

Nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, Hà Nội đã thích ứng kịp thời trước mọi hoàn cảnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 vừa qua; Không chỉ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh mà còn duy trì tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội năm 2022 tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7-7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây, thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền TP, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp.

Trên thực tế, cả Thủ đô đang đẩy mạnh phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng cao và bền vững hơn.

Nhìn lại chặng đường gần một thế kỷ vẻ vang đã có muôn vàn khó khăn thử thách, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ TP Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã luôn kiên cường trong chiến đấu, hăng say, sáng tạo trong lao động, xây dựng Thủ đô ngày càng “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gạc Ma: 35 năm, một tượng đài bất khuất

35 năm trước, ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dau-an-dang-tren-tung-chang-duong-phat-trien-219408.html