Nhiều trường xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi THPT quốc gia được đổi thành thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học đồng loạt thay đổi phương thức xét tuyển 2020 để phù hợp với tình hình.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã chính thức thông báo chỉ lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển vào đại học chính quy. Cùng với hình thức xét tuyển trên, trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ xét tuyển thẳng thí sinh có IELTS 5.5 trở lên.
Theo PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Kinh tế quốc dân, trường đã họp Hội đồng tuyển sinh để có những phương án điều chỉnh phù hợp cho việc tuyển sinh đại học năm 2020. Theo đó, năm nay, trường sẽ tuyển sinh theo các phương thức là: Xét tuyển thẳng và Xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Điều đặc biệt, đối với xét tuyển thẳng, ngoài quy định chung của Bộ GD&ĐT, nhà trường xét tuyển thẳng học sinh các trường THPT liên kết (có ký kết hợp tác) với 1 - 3% số học sinh của trường.
Trường còn xét điểm IELTS quốc tế (từ 5.0 hoặc 6.0 tùy ngành, chương trình); xét điểm SAT quốc tế (từ 800 điểm trở lên).
Đại học Kinh tế quốc dân cũng tuyển thẳng 20 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc học sinh trường chuyên đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh vào ngành robot và trí tuệ nhân tạo. Những thí sinh trúng tuyển ngành này sẽ được miễn 100% học phí trong 4 năm học.
Đối với xét tuyển học bạ thực hiện từ ngày 24/4 - 15/6, ngày 25/6 trường công bố kết quả học sinh đủ điều kiện vào học tại trường (sẽ chính thức khi học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT). Mỗi thí sinh đăng ký tối đa 10 nguyện vọng (nguyện vọng 1 là ưu tiên nhất; hệ chất lượng cao dễ trúng tuyển hơn hệ đại trà).
Đối với xét bằng điểm thi THPT năm 2020, trường dành tối đa 30% xét tuyển bằng phương thức này với tổ hợp ba môn thi từ 20 điểm trở lên.
Trước đó, ngày 14/4, Đại học Kinh tế quốc dân thông báo, nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do dịch Covid-19 thì nhà trường dự kiến tổ chức thi riêng vào tháng 8 với 8 môn thi.
Tương tự, trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã thông báo hủy bỏ phương án dự kiến thi riêng nhiều đợt trên máy tính, tổ chức thi vào tháng 7, 8/2020 và chỉ lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT thành phương thức xét tuyển chính của nhà trường.
Đại học Thương mại cũng là một trong số nhiều trường không có kế hoạch tuyển sinh riêng. GS. TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường sẽ lấy kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cùng với đó sẽ xác định một số tiêu chí phụ để bổ sung cho xét tuyển.
Rộng đường chọn lựa cho thí sinh
Trong khi nhiều trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thì nhiều nhà trường đã lên kế hoạch tuyển sinh riêng cho mình. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực, thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực và xét tuyển hồ sơ thí sinh.
Bài thi của Đại học Quốc gia Hà Nội kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh gồm 2 bài thi bắt buộc: Toán (90 phút) và bài viết luận (60 phút); Bài tự chọn: Ngoại ngữ (60 phút), Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội (60 phút). Thời gian dự kiến tổ chức thi vào cuối tháng 7/2020, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Còn Đại học Bách khoa Hà Nội cũng gây chú ý khi mới đây thông báo sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh ở 3 tỉnh, thành thay vì chỉ ở Hà Nội như công bố trước đó. PGS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, trường sẽ tổ chức kỳ thi riêng ở 3 tỉnh thành để giảm thiểu tác động đến học sinh, giúp các em thuận tiện hơn trong việc đi lại. Kỳ thi sẽ được tổ chức ở Hà Nội, Thanh Hóa và Sơn La.
"Quyết định này khiến trường vất vả hơn, đặc biệt trong khâu phối hợp với các địa phương, nơi tổ chức kỳ thi. Tuy nhiên, nhờ đã chuẩn bị suốt một năm qua, trường không bị động trước việc thay đổi phương án thi THPT, vẫn xem xét điều chỉnh với mục tiêu giảm áp lực cho thí sinh", ông Thắng nói.
Kỳ thi tuyển sinh riêng của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức vào ngày 25/7. Chỉ tiêu cho hình thức này chiếm 70% tổng chỉ tiêu của từng khối ngành. Thí sinh có nguyện vọng vào khối ngành kỹ thuật, kinh tế sẽ thi một buổi trên giấy với ba môn Toán, Đọc hiểu và tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh). Với ngành Ngôn ngữ Anh, thí sinh thi Toán, Đọc hiểu (trên giấy) và Tiếng Anh (trên máy tính). Tất cả môn thi trắc nghiệm, riêng Toán 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận.
Trong khi đó, Đại học Ngoại thương mới đây cũng công bố 5 phương thức tuyển sinh để phù hợp với các yêu cầu đánh giá năng lực học tập của thí sinh, đó là: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố lớp 12 và hệ chuyên của trường THPT chuyên (dự kiến xét tuyển trong tháng 6); Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập, dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng do trường Đại học Ngoại thương tổ chức phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (dự kiến 20% chỉ tiêu); Xét tuyển thẳng được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhà trường.
Theo nhiều chuyên gia, việc linh hoạt phương thức xét tuyển sẽ mở đường cho các thí sinh vào đại học. Các em có nhiều lựa chọn cho mình khi việc tuyển sinh được thực hiện trong thời gian dài với tiêu chí ở từng trường khác nhau.
Không hỗ trợ lọc ảo, trường dễ gặp khó
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đã có 10% các trường đại học top đầu đã có kế hoạch tuyển sinh riêng, 28% các trường sử dụng học bạ và kết quả tốt nghiệp để xét tuyển - đây chủ yếu các trường top dưới còn lại hơn 60% các trường sẽ có kế hoạch để xây dựng phương thức xét tuyển. 1/3 các trường sử dụng kết quả của kỳ thi tới đây để tuyển sinh nhưng trên thực tế với phương án này, các trường dễ gặp khó vì kỳ thi chỉ còn một mục đích, không có tính phân hóa người học. Với hàng loạt các hình thức tuyển sinh do được tự chủ trong khi đó, thí sinh vẫn được đăng ký không giới hạn nguyện vọng sẽ dễ dẫn đến tình trạng ảo, rối loạn tuyển sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau khi phân tích các thuận lợi, khó khăn phát sinh, trên cơ sở đề nghị của các cơ sở giáo dục đại học, với quan điểm cố gắng tối đa đảm bảo công tác tuyển sinh diễn ra thuận lợi, công bằng, khách quan, trung thực, nhất là quyền lợi của thí sinh, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học và thí sinh trong công tác tuyển sinh trong khâu tổ chức đăng ký xét tuyển, lọc ảo như năm 2019.
Với sự hỗ trợ này, thí sinh không phải tốn thời gian, công sức, kinh phí đi lại, nộp hồ sơ dự tuyển nhiều nơi, rồi lại đi rút hồ sơ nếu không đúng nguyện vọng… nên rất thuận lợi cho thí sinh đăng ký những ngành, trường mình mong muốn.
Việc lọc ảo tốt sẽ giúp các trường có khả năng tuyển một số lượng chỉ tiêu hợp lý ngay từ đợt tuyển sinh đầu để đảm bảo hoạt động đào tạo chung của nhà trường. Quy trình này đã thực hiện tốt trong những năm qua.