Luật Du lịch trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa

09/04/2023 11:23

Kinhte&Xahoi Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với ngành du lịch và ngược lại, du lịch cũng là phương thức để du khách thêm hiểu và yêu nền văn hóa bản địa. Do vậy, cần có những đột phá thực chất, nhất là trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững.

Văn hóa là yếu tố tạo nên bản sắc đặc trưng của ngành du lịch. (Ảnh minh họa)

Công nghiệp văn hóa song hành cùng du lịch

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã thể hiện nổi bật quan điểm nhất quán, xuyên suốt: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là động lực quan trọng góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong bối cảnh hiện nay, công nghiệp văn hóa được xem là một lĩnh vực tập trung, dung hòa giữa yếu tố kinh tế và văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo giá trị gia tăng trong hưởng thụ của người dân và du khách. Phát triển công nghiệp văn hóa có ý nghĩa quan trọng giúp chuyển hóa nguồn “tài nguyên mềm” là văn hóa thành những sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quảng bá di sản và bản sắc của mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế và quốc gia.

Theo đó, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã xác định các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

Văn hóa ngày càng là một yếu tố quan trọng của sản phẩm du lịch, tạo nên sự khác biệt có sức hấp dẫn lớn nhờ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách và trải nghiệm các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng và ẩm thực. Du lịch cũng là phương thức giúp du khách quốc tế và trong nước khám phá văn hóa đa dạng theo vùng miền, theo bề dày lịch sử của một quốc gia, qua đó có được những trải nghiệm đáng nhớ, sâu sắc.

Nói cách khác, du lịch góp phần thúc đẩy văn hóa phát triển thông qua việc tạo thu nhập có thể hỗ trợ và tái đầu tư cho các công trình, di sản văn hóa, tạo ra các sản phẩm văn hóa mới, đồng thời quảng bá nền văn hoá dân tộc, thương hiệu quốc gia và ghi dấu ấn trên bản đồ văn hoá thế giới.

Chính bởi mối quan hệ hai chiều, không thể tách rời giữa sự phát triển du lịch và các ngành công nghiệp văn hóa, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Đặc biệt, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thảo luận và đi đến thống nhất cần xây dựng, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Mặt khác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện đang triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí góp phần phát triển du lịch.

Ở góc độ địa phương, để khai thác lợi thế và tiềm năng to lớn từ du lịch và văn hóa, nhiều địa phương đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, định hướng đưa du lịch, trong đó có du lịch văn hóa, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Di sản là một trong những nguồn tài nguyên của du lịch văn hóa nhưng cần dung hòa bảo tồn và phát triển. (Ảnh minh họa)

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, bởi vậy Luật Du lịch 2017 đã bao gồm những quy định tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Đơn cử, luật xác định du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. Theo đó, trong chính sách phát triển du lịch, Nhà nước phải ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đặc thù khác.

Bên cạnh việc bảo đảm lợi ích của khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch, Luật còn ghi nhận quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch của cộng đồng dân cư; phát triển đa dạng các ngành, nghề và các loại hình dịch vụ, văn hóa, nghệ thuật phục vụ du khách.

Luật cũng quy định rõ phát triển du lịch không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai. Phương diện này thể hiện ở việc tài nguyên du lịch (gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa) phải được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo, phát huy, khai thác và sử dụng một cách hợp lý. Nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động điều tra, đánh giá, bảo vệ, tôn tạo, phát triển giá trị tài nguyên du lịch; xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tôn trọng, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc; bảo vệ, giữ gìn, khai thác hợp lý và phát huy giá trị tài nguyên du lịch; nghiêm cấm các hành vi xâm hại tài nguyên du lịch;…

Đáng nói, các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác, nên dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng vẫn chưa được khai thác hết. Từ thực tiễn phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch của các địa phương, các phiên tọa đàm, hội thảo ở cấp địa phương và cấp quốc gia, tựu trung lại có ba vấn đề lớn như sau: Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa giữ gìn, bảo tồn và phát huy, phát triển; Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và Phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa.

Ngoài ra, một trong những mối quan tâm hàng đầu trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp văn hóa và du lịch văn hóa, đó là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực. Đây không phải là vấn đề có thể giải quyết trong “một sớm một chiều” nhưng lại có ý nghĩa thiết yếu.

Trong đó, các giải pháp cần sớm được triển khai bao gồm: đổi mới nội dung, chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực và cải thiện kỹ năng quản lý, kỹ năng kinh doanh trong các ngành công nghiệp văn hóa; có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn từ các nước có trình độ phát triển cao về công nghiệp văn hóa đến Việt Nam làm việc…

Như vậy, để khai thác và phát huy được những tiềm năng từ các ngành công nghiệp văn hóa trong du lịch và ngược lại, trước hết cần có những cơ chế, chính sách định hướng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khắc phục những bất cập, hạn chế.

Đặc biệt là cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình, phần mềm và các trò chơi trực tuyến.

Bên cạnh đó là những chính sách, lộ trình huy động các nguồn lực trong xã hội để hình thành và phát triển 3 trung tâm công nghiệp văn hóa tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và một số trung tâm gắn với các di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.

Đỗ Trang - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Gạc Ma: 35 năm, một tượng đài bất khuất

35 năm trước, ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/luat-du-lich-trong-chien-luoc-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-d192254.html