Tại Huế, đại nội, lăng tẩm các vua triều Nguyễn sẽ mở cửa đón khách từ 7h ngày 30/4. Du khách tham quan các điểm di tích phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt ở cổng vào, rửa tay sát khuẩn và hạn chế đi theo đoàn trên 30 người.
Để chuẩn bị cho việc mở cửa, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ huy động toàn thể cán bộ và nhân viên dọn dẹp vệ sinh, khử trùng tại các điểm di tích vào chiều 29/4.
Tại Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang mới có văn bản về việc cho phép một số hoạt động, dịch vụ du lịch hoạt động trở lại.
Theo đó, để vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội; Chủ tịch UBND tỉnh cho phép các khu điểm du lịch, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh được hoạt động trở lại từ ngày 28/4/2020.
Tuy nhiên, trước mắt các khu, điểm tham quan, du lịch chỉ phục vụ cho khách du lịch trong nước và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc; đo thân nhiệt cho khách đến, yêu cầu du khách đeo khẩu trang và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; có biển, bảng hướng dẫn chi tiết về các biện pháp phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Sở VHTTDL; Báo Bắc Giang; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến nhân dân và các cơ quan, đơn vị, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được biết và triển khai thực hiện; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, phản ánh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật.
Du khách tham quan Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: Lê Chung
Tại Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị cũng có văn bản về việc cho phép tổ chức hoạt động trở lại các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị cho phép các khu di tích, danh lam thắng cảnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như: trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư y tế để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
Trước đó, ngày 15/3 ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ký ban hành văn bản thông báo gửi Sở Văn hóa, Thể thảo và Du lịch cùng UBND các huyện, thị xã và TP Đông Hà về việc tạm dừng hoạt động đón tiếp khách du lịch tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh điểm du lịch trên địa bàn tỉnh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tại Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hoá có Công điện khẩn gửi Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc cho phép mở rộng một số hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Biển Sầm Sơn-Thanh Hóa (Nguồn: Internet)
Từ ngày 25/4/2020, các khu, điểm tham quan du lịch được đón khách nội tỉnh nhưng tại cùng một thời điểm không quá 10 người trong nhóm 1 và phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế. Khu vực ăn uống của khách sạn cũng phải thực hiện yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch.
Tại TP Sầm Sơn, nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón khách, đặc biệt là du khách trong và ngoài nước trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
Các nhà hàng, khách sạn tại khu du lịch biển Hải Hòa cũng khẩn trương hoàn tất các điều kiện để đón du khách trở lại. FLC Hotel & Resort Sầm Sơn đã chính thức thực hiện chương trình vận hành, tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bao gồm các thủ tục kiểm tra sức khoẻ cho du khách, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc khi du khách đến lưu trú, nghỉ dưỡng tại đây cũng như giới thiệu đến du khách những sản phẩm mới với nhiều tiện ích áp dụng đặc biệt cho dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5.