Mưa lớn và chúng ta đã thấy tác dụng chống ngập của những cái lu!
Kinhte&Xahoi
Hẳn quý vị độc giả còn nhớ hồi đầu tháng 7, tại cuộc họp của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, một nữ đại biểu đề xuất mỗi hộ gia đình cần có một cái lu để giảm ngập nước.
Mặc dù chính quyền thành phố chưa đồng ý, chưa có kinh phí tài trợ, nhưng vừa qua, những đợt mưa lớn ở đây và một số địa phương khác đã cho thấy hiệu quả của những cái lu như thế nào.
Trên báo chí và mạng xã hội tuần qua, ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi khác như Phú Quốc đã có những trận mưa lớn, nhiều tuyến đường bị ngập sâu. Giữa mênh mông nước ngập ấy, bỗng nhiên, người ta nhớ tới đề xuất dùng lu chống ngập của bà dân biểu thành phố.
Thôi thì có khá nhiều hình ảnh những chiếc lu được người ta chụp ảnh, đưa lên trên báo, trên mạng xã hội: Cái thì ngập bủm trong nước, cái thì nằm xoay ngang nằm chỏng chơ, cái thì bị lật úp... mà nước ngập thì vẫn hoàn ngập.
Vậy là đã rõ, chỉ với những trận mưa lớn trên thực tế, người ta thấy ngay hiệu quả chống ngập của những cái lu đến đâu. Tất nhiên, đề xuất của bà đại biểu HĐND TP HCM cũng mới chỉ dừng lại ở lời nói và chưa ai chấp nhận để triển khai. Chứ nếu không, e rằng, chính quyền thành phố có bỏ ra mấy chục ngàn tỷ, hỗ trợ cho mỗi gia đình không phải 1 mà 5 cái lu, thì cũng uổng phí tiền mà thôi.
Và đáng chú ý là Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trong tuần, với sự hỗ trợ của các nhà mạng, đã gửi đi hàng vạn tin nhắn vào số điện thoại của người dân kêu gọi: Lật up tất cả các công cụ chứa nước trong nhà để ngăn ngừa khả năng muỗi đẻ trứng, để phòng chống dịch sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát.
Vậy ra, nếu có nơi nào nghe nữ đại biểu kia mà triển khai dùng lu chống ngập thì cũng lại bỏ đi nốt vì nếu thế lại trái với khuyến cáo của Bộ Y tế thôi. Và nếu làm ngược lại khuyến cáo, thì lại sẽ tạo ra vô số cái "tổ" cho muỗi đẻ trứng, vô tình thúc đẩy dịch sốt xuất huyết lan tràn.
Cho nên, đúng là các vị đại biểu Hội đồng nhân dân các nơi khi họp hành, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội địa phương luôn được khuyến khích đưa ra các ý kiến, sáng kiến để xử lý các vấn đề tồn tại ở địa phương. Trong những ý kiến được đưa ra, có những ý kiến đóng góp có giá trị và cũng có không ít ý kiến chưa hợp lý. Đó là điều bình thường.
Vấn đề là các vị đại biểu dù đưa ra sáng kiến, góp ý gì thì cũng nên cân nhắc kỹ hơn để có những đề xuất có căn cứ, có thực tế và có tính khả thi cao. Chứ nếu cứ nhắm mắt đưa ra những đề xuất thiếu cơ sở khoa học, thực tiễn, thiếu lập luận vững chắc thì nếu bị người dân, cộng đồng mạng "ném đá" (chế giễu, phê phán) thì cũng là điều không khó hiểu.