Từng bị TP.HCM phạt 322,5 triệu đồng, tịch thu nhiều sản phẩm
Quyết định xử phạt do Phó chủ tịch UBND TP. HCM Lê Thanh Liêm ký, xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (số 5 đường Cộng Hòa, quận Tân Bình), do ông Nhâm Phi Khanh làm Giám đốc.
Mumuso từng bị phạt 322,5 triệu đồng, tịch thu nhiều sản phẩm.
Cụ thể, UBND TP. HCM phạt 50 triệu đồng đối với hành vi không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
Phạt 90 triệu đồng với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và phạt 180 triệu đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là mỹ phẩm.
Mumuso cũng bị phạt 2,5 triệu đồng vì hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Tổng tiền phạt UBND TP.HCM áp dụng đối với Mumuso là 322,5 triệu đồng. Ngoài ra toàn bộ hàng hóa nhập lậu gồm 38.384 sản phẩm bị tịch thu. Mỹ phẩm không công bố trước khi lưu thông bị buộc tiêu hủy (2.218 sản phẩm). Toàn bộ số mỹ phẩm nhập lậu (26.508 đơn vị) cũng bị tiêu hủy.
Mumuso có thể tiếp tục bị xử phạt hàng trăm triệu đồng
Trong văn bản báo cáo nhanh kết quả kiểm tra Công ty Mumuso Việt Nam được đoàn kiểm tra thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng gửi Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, đơn vị này đã chỉ ra nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kèm theo đề xuất xử phạt đối với Mumuso.
Về hoạt động mua bán hàng hóa của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đoàn kiểm tra phát hiện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam có nộp hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh, nhưng không được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp (9/5/2017-25/12/2017). Thế nhưng công ty này vẫn thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu và phân phối bán lẻ.
Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định về giấy phép kinh doanh theo quy định của Luật Thương mại 2005, có thể xử phạt 60-80 triệu đồng. Hình phạt sẽ bị nhân đôi vì chủ thể là tổ chức.
Cũng trong giai đoạn này, doanh nghiệp đã thành lập và hoạt động tại 14 cơ sở bán lẻ nhưng không làm thủ tục cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Hành vi này vi phạm nhiều lần, có thể bị phạt tiền đến 80 triệu đồng.
Nhãn mác các sản phẩm tại Mumuso ghi “Thương hiệu: Mumuso - Korea”, tuy nhiên “Xuất xứ: China”.
Mumuso Việt Nam là mô hình kinh doanh giữa công ty và các cửa hàng đối tác (hoạt động nhượng quyền thương mại), tuy nhiên, doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo về hoạt động nhượng quyền thương mại tới Sở Công Thương. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Về đăng ký doanh nghiệp, Mumuso có cửa hàng bán lẻ tại trụ sở chính, nhưng lại xác nhận chưa làm thủ tục đăng ký kinh doanh đối với cửa hàng này. Hành vi có dấu hiệu vi phạm này có thể bị phạt 5-10 triệu đồng.
Về công bố chất lượng sản phẩm mỹ phẩm, đoàn kiểm tra ghi nhận 2 sản phẩm có nội dung về thành phần ghi trên nhãn phụ không phù hợp với nội dung về thành phần trong hồ sơ công bố. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công bố sản phẩm. TP.HCM từng xử phạt 60 triệu đồng với hành vi này của Mumuso.
Mumuso cũng thừa nhận cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa do doanh nghiệp này cung cấp. Hành vi này bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng.
Về cạnh tranh, doanh nghiệp quảng cáo có thể khiến khách hàng hiểu nhầm người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm liên quan đến Korea (Hàn Quốc). Sản phẩm có thể bị phạt tiền 80-140 triệu đồng.
Đa số sản phẩm phân phối bởi Mumuso xuất xứ từ Trung Quốc lại được quảng bá có “phong cách Hàn Quốc”.
Về hoạt động thương mại điện tử không đầy đủ thông tin về giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hành vi này có thể bị phạt 20-40 triệu đồng.
Trong văn bản báo cáo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Cục Quản lý thị trường đề nghị Bộ trưởng giao Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức điều tra toàn diện Mumuso theo Luật Cạnh tranh.
Theo kết quả kiểm tra Bộ Công thương công bố ngày 12/7, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam đang kinh doanh 2.273 loại hàng hóa. Trong đó, 2.257/2.273 (99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được mua tại các đơn vị khác trong nước. |
Theo KD&PL