Bước sang giai đoạn 3, giai đoạn mang tính quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu cách ly xã hội. Theo đó, từ ngày 1 đến 15-4 chính là “15 ngày vàng” để dịch không bùng phát, lây lan. Cũng như các địa phương trong cả nước, Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị triển khai đồng bộ các biện pháp để quyết đánh thắng "giặc" Covid-19.
Tuy nhiên, để phòng, chống dịch hiệu quả, sự chỉ đạo đúng đắn và nỗ lực của cả hệ thống chính trị là chưa đủ. Cần có cả ý thức trách nhiệm của từng người, sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội.
Không thể phủ nhận, ngay sau yêu cầu cách ly xã hội được đưa ra, hầu hết người dân đã nêu cao trách nhiệm công dân nghiêm túc chấp hành những quy định. Nhưng thật đáng buồn khi ít ngày gần đây, nhiều người - trong đó có không ít người dân Thủ đô lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm yêu cầu này. Trong khi những "chiến sĩ" tuyến đầu vẫn ngày đêm nỗ lực quên mình để chống dịch và dập dịch, thì nhiều người vẫn không tuân thủ quy định về cách ly xã hội, tụ tập uống trà đá, tập thể dục, vào công viên đánh cờ, câu cá…
Những hành vi phản cảm này cần đáng lên án cả ở góc độ chung tay chống "giặc Covid-19" lẫn góc độ trách nhiệm công dân trước cộng đồng.
Cũng cần nhắc lại rằng, để khoanh vùng, cô lập dịch, thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) phải thực hiện giải pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập” 77 ngày. Bởi đơn giản là nếu không chấp hành nghiêm cách ly xã hội thì ngày được tự do ra đường, trở lại cuộc sống thường nhật sẽ ngày một xa hơn.
Cũng cần nhấn mạnh sự ưu việt của đất nước ta, nếu phải cách ly y tế sẽ được cả hệ thống chính trị sát cánh chăm lo cuộc sống, được chữa trị miễn phí nếu mắc bệnh… một điều không dễ gặp ở nhiều quốc gia khác.
Và thực tế cuộc sống những ngày qua có rất nhiều chuyện đáng suy nghĩ về trách nhiệm công dân trước xã hội, khi “cái tôi” lấn át “cái ta” rồi bị những điều xấu cuốn đi.
Điển hình như đêm 9-4, trong khi người đứng đầu Chính phủ ký ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thì 28 thanh niên lại tụ tập đua xe máy quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quả thực đó là hành vi rất đáng lên án.
Trước đó 5 ngày, trong khi cụ Vũ Thị Sim, 103 tuổi, ở thành phố Cẩm Phả đến tận trụ sở UBND phường Cẩm Sơn trao 1 triệu đồng dành dụm để ủng hộ địa phương phòng, chống dịch thì cùng buổi chiều hôm đó, cũng tại tỉnh Quảng Ninh, đối tượng Đào Xuân Anh khi được nhắc nhở việc đeo khẩu trang chưa trùm qua mũi đã dùng mũ cối tấn công 2 thành viên của tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Chốt kiểm soát số 7 xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên.
Không hiểu bệnh nhân 243 nghĩ gì trước việc chỉ do sự khai báo y tế thiếu trung thực của mình mà hàng trăm y, bác sĩ phải cực nhọc tổ chức xét nghiệm xuyên đêm cho gần 11.000 người dân của thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội)? Và do toàn thôn bị phong tỏa 28 ngày, ảnh hưởng về cuộc sống của gần 3.000 hộ dân không hề là nhỏ.
Tất cả những người phớt lờ các khuyến cáo, quy định của cơ quan chức năng, thể hiện từ việc nhỏ như không đeo khẩu trang, ra đường khi không có việc cần thiết, đến việc tày đình như hành hung, chống đối lực lượng chức năng đều phải bị lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định. Nhìn rộng hơn, họ đã “nối giáo cho giặc Covid-19” khi cuộc chiến này được dự báo vẫn còn hết sức cam go, đặc biệt với những người nơi tuyến đầu chống dịch.
Vi rút SARS-CoV-2 chưa có vắc xin phòng ngừa, nhưng phòng bệnh cá nhân (rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài hay ở nơi công cộng…), tuân thủ cách ly xã hội và các quy định khác về phòng, chống dịch chính là một loại vắc xin hữu hiệu. Việc hình thành thói quen, hành vi tự bảo vệ mình, không làm phương hại đến cộng đồng cũng là trách nhiệm của mỗi công dân trong xã hội, đặc biệt với công dân của Thủ đô. Thay vì nghi ngờ, phán xét, chê bai, chống đối…, mỗi cá nhân bằng những việc làm phù hợp với khả năng, điều kiện của mình cần chung tay, góp sức cùng xã hội trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.
Hơn thế, nếu các công dân đều có ý thức tốt, hành xử đúng, có trách nhiệm thì xã hội sẽ ngày càng phát triển, văn minh. Để khi dịch Covid-19 qua đi, mỗi người và toàn xã hội đã có sẵn “kháng thể”, sẵn sàng ứng phó và vượt qua những “cơn sóng” khác, mà rất có thể còn dữ dội, nguy hiểm hơn vi rút SARS-CoV-2…