Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vào “tầm ngắm” của Đại biểu Quốc hội

05/11/2020 16:47

Kinhte&Xahoi Đề cập tới hàng loạt sai phạm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Đại biểu Trần Quang Chiểu băn khoăn, tại sao các cá nhân và tập thể sai phạm đến nay chưa bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 5/11 Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) cho biết: Tại Kỳ họp thứ 2 tháng 10/2016, ông đã phát biểu những thiệt hại về kinh tế của quốc gia do Chính phủ tiền nhiệm ký cam kết bảo lãnh GGU đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn với cơ chế ưu đãi thuế nhập khẩu 3, 5, 7% cho dự án. 

Theo tính toán, sau khi bù trừ đi số tiền thuế, tiền phí, tiền thuê đất... thu được từ dự án thì số tiền mà quốc gia phải bỏ ra trả thêm cho nhà đầu tư trong 10 năm bắt đầu từ ngày Nhà máy vận hành thương mại là 36,73 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu là 50 đô/thùng và sẽ là 47,87 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu là 60 đô/thùng; 64,58 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu là 75 đô/thùng; 88,1 nghìn tỷ đồng nếu giá dầu là 100 đô/thùng.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội và cử tri cả nước, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề. Báo cáo giám sát đã gửi đến Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng.

Ngoài số tiền thiệt hại nêu trên, qua nghiên cứu kỹ GGU, Đại biểu Chiểu còn thấy có 3 nội dung ưu đãi trái với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết. Một là áp dụng thuế suất gấp 10% thuế thu nhập doanh nghiệp cho toàn bộ đời của dự án.

Hai là cán bộ, công nhân viên làm việc trong Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ được giảm 50% nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân. Ba là trong bất cứ tình hình thị trường cung cầu ra sao thì Việt Nam vẫn phải chịu trách nhiệm tiêu thụ 100% lượng xăng dầu do Nhà máy sản xuất ra tại cổng Nhà máy.

Với 3 cam kết nêu trên, đến nay chưa có cơ quan nào tính toán cụ thể thêm số tiền thiệt hại cho ngân sách Nhà nước là bao nhiêu nhưng chắc chắn không phải là nhỏ mà lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng. Cộng với số tiền phải thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu 3, 5, 7% đã nêu thì số tiền thiệt hại cho ngân sách quốc gia sẽ là rất lớn.

“Phải chăng đây là vụ việc gây thiệt hại kinh tế cho quốc gia lớn nhất từ trước đến nay hay không”, Đại biểu Chuẩn đặt câu hỏi.

Qua theo dõi, ông ghi nhận Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm rất tích cực khắc phục bằng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Chính phủ mặc dù GGU chỉ là thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam đối với nhà đầu tư, chứ không phải là thỏa thuận Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành chức năng nhiều lần thảo luận, đàm phán với nhà đầu tư để giảm thiệt hại thấp nhất cho ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên, nhà đầu tư không nhượng bộ với lý do các ưu đãi GGU đã được nhà đầu tư tính vào chi phí hiệu quả kinh doanh của dự án. Duy chỉ có một nội dung là nhà đầu tư đồng ý hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển, bao tiêu sản phẩm từ cổng Nhà máy đến kho nhà phân phối – khoảng 20 triệu đô.

Do nhà đầu tư không nhượng bộ nên Đại biểu được biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tính cực họp bàn phương án nguồn tiền để thực hiện “cái gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư” để trình các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến. Nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra được phương án và giải pháp tối ưu nhất.

Theo Đại biểu, GGU là thỏa thuận quốc tế nên chúng ta không thể nói là không thực hiện. Số tiền “gọi là ưu đãi cho nhà đầu tư” này sẽ được cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước hay gián tiếp thông qua Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đều là gánh nặng với ngân sách quốc gia, tức là tiền thuế của 100 triệu người dân hôm nay và con cháu chúng ta mai sau.

“Số tiền rất lớn làm thiệt hại cho quốc gia do một số người trong Chính phủ tiền nhiệm gây ra chắc không phải riêng tôi băn khoăn, tại sao các cá nhân và tập thể sai phạm đến nay chưa bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Phải chăng đây không phải là gỗ, là củi mà đây là sắt, là thép, thậm chí là kim cương, cần sớm có câu trả lời công khai, trách nhiệm từ các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị của đất nước”, Đại biểu Chuẩn nêu câu hỏi.

 Hoàng Thư - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tạp chí Điện tử Hòa nhập: Ấm áp tình người giữa mùa bão lũ

Vừa qua, người dân các tỉnh miền Trung phải gánh chịu những hệ quả do bão lũ, thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đời sống của nhiều người dân rất cơ cực. Với truyền thống tương thân, tương ái, Tạp chí Điện tử Hòa Nhập phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT VN, Báo Xây dựng tổ chức chương trình thiện nguyện nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung trong lúc thiên tai đè nặng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nha-may-loc-hoa-dau-nghi-son-vao-tam-ngam-cua-dai-bieu-quoc-hoi-d139887.html