Nhân viên siêu thị, cửa hàng đội mũ nhựa, mặc áo bảo hộ để ngăn ngừa dịch COVID-19
Kinhte&Xahoi
Trong thời gian cách ly toàn xã hội, siêu thị và những cửa hàng thiết yếu vẫn hoạt động phục vụ nhu cầu của người dân. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng trong mùa dịch, các nhân viên siêu thị và nhiều người bán hàng tạp hóa tư nhân đã nghiêm túc thực hiện đeo khẩu trang và mặc đồ bảo hộ trong suốt thời gian làm việc.
Sau khi có chỉ thị cách ly toàn xã hội 15 ngày để chống dịch Covid-19, trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ còn những cửa hàng bán đồ thiết yếu, lương thực thực phẩm còn hoạt động phục vụ nhu cầu của người dân.
Nhân viên siêu thị đội mũ mica để chống giọt bắn.
Trong đó có thể kể đến các cửa hàng tạp hoá, siêu thị lớn nhỏ là nơi tập trung đông người qua lại do nhu cầu mua sắm. Khi phần lớn những người lao động ở nhiều ngành nghề khác đã làm việc online, thì những nhân viên siêu thị hay người bán hàng tạp hóa vẫn phải trực tiếp tiếp xúc với hàng trăm lượt người mỗi ngày.
Để duy trì hoạt động kinh doanh và đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân cũng như cộng đồng trong mùa dịch, các siêu thị lớn, nhỏ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp như phân luồng khách hàng đứng xa 2 mét, lập những điểm bán hàng lưu động để người dân tránh tập trung người,…
Đặc biệt nhiều nơi đã bổ sung đồng phục mới cho toàn bộ nhân viên, những người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người. Trong đó, mặt nạ chống giọt bắn, găng tay, khẩu trang được coi là 3 vật dụng hỗ trợ quan trọng nhất.
Theo quan sát của phòng viên, tại nhiều điểm bán hàng của siêu thị Vinmart, nhân viên tại quầy giao dịch đã được trang bị mặt nạ chống giọt bắn trong suốt bằng nhựa mica.
Những điểm bán hàng lưu động nhằm tránh tập trung đông người.
Chị Bích Phượng (một nhân viên thanh toán tại siêu thị Vinmart) cho biết: “Khi được trang bị đầy đủ thiết bị phòng trống dịch, tôi cảm thấy tự tin và yên tâm hơn khi làm việc. Mặt nạ này bằng nhựa trong suốt, khá nhẹ nên không có bất tiện gì khi sử dụng".
Ngoài ra, để có kiến thức tự bảo vệ bản thân, chị Phượng và nhiều nhân viên khác cũng được hướng dẫn cụ thể cách vệ sinh tay khi tiếp xúc với nhiều vật thể khác nhau, đeo mặt nạ và khẩu trang đúng cách, khử trùng toàn thân trước khi từ nơi làm việc về nhà…
Không chỉ ở các siêu thị lớn, tại một số cửa hàng tạp hóa tư nhân, dù không được phát đồng phục, không có người hướng dẫn cụ thể theo quy trình… nhưng những người bán hàng tạp hóa vẫn rất tuân thủ an toàn sức khỏe trong mùa dịch.
Nhân viên mặc đồ bảo hộ và giữ khoảng cách với người mua hàng.
Không chỉ đeo khẩu trang hoặc găng tay thông thường, họ tự trang bị cho mình những bộ quần áo chuyên dụng, bịt mặt kín mít và sẵn sàng phục vụ khách hàng. Cô Khanh – một người bán hàng tạp hóa ở Thanh Xuân (Hà Nội) - cho biết cô đã đầu tư một bộ quần áo phòng hộ và đưa ra một số yêu cầu cho khách tới mua hàng như: Không đeo khẩu trang không cho vào quán; giữ đúng khoảng cách an toàn khi chọn hàng và thanh toán…
“Tôi mặc bộ này cả ngày, từ khi mở cửa tới khi vãn khách tôi mới thay. Thời gian đầu mặc chưa quen nên thấy hơi bí nhưng vì nghĩ cá nhân phải tự nâng cao ý thức vì cộng đồng trong mùa dịch nên tôi lại cố mặc. Nhờ đó khách hàng cũng thấy yên tâm và mọi người cũng nâng cao tinh thần tự giác thực hiện nghiêm túc những chủ trương của Chính phủ và Thành phố để đẩy lùi dịch bệnh”, cô Khánh vui vẻ chia sẻ.
Từ ngày 4/4, Hà Nội sẽ xử phạt những trường hợp ra đường không đúng các trường hợp được quy định, theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.
Dựa vào Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid – 19 và văn bản số 2601/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện cách ly xã hội và danh mục những đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... được tiếp tục hoạt động. Có 3 trường hợp thật sự cần thiết được phép ra ngoài:
Thứ nhất, mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;
Thứ hai, các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…;
Thứ ba, làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở được cho phép. Cụ thể, các cơ sở được tiếp tục hoạt động bao gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... |