Phải chăng còn thiếu tiêu chuẩn thẩm định lời văn quảng cáo?
Kinhte&Xahoi
Liên quan tới công văn của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của nhãn hàng Coca - Cola Việt Nam, khi sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo, bên cạnh những “lùm xùm” về mặt ngữ nghĩa mà dư luận đang hướng tới, câu chuyện trên còn tồn tại một nghịch lý khác.
Quảng cáo "Mở lon Việt Nam" có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo
Có thể hiểu rằng, trước khi nhãn hàng Coca - Cola tiến hành quảng cáo, trên thực tế vẫn phải tuân thủ các thủ tục pháp lý liên quan; đơn cử như: Thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn.
Cụ thể, Điều 30 Luật Quảng cáo 2012 quy định: “Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải gửi hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương xác nhận về việc nhận hồ sơ, nếu không có ý kiến trả lời thì tổ chức, cá nhân được thực hiện sản phẩm quảng cáo đã thông báo. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền về quảng cáo của địa phương không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Theo đó, trong hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn phải bao gồm: văn bản thông báo sản phẩm quảng cáo ghi rõ nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng-rôn; ma-két sản phẩm quảng cáo in mầu; Bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo… và các giấy tờ pháp lý khác có liên quan (theo Điều 29 Luật Quảng cáo 2012).
Hồ sơ thông báo sẽ được gửi tới Sở Văn hóa thể thao và du lịch của tỉnh, thành nơi hoạt động quảng cáo diễn ra, căn cứ Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP.
Điều này có nghĩa là, trước khi thực hiện quảng cáo tràn lan, hồ sơ thông báo của nhãn hàng này đã phải được xét duyệt ít nhất một lần về nội dung và hình thức bởi đơn vị có thẩm quyền, nơi đã tiếp nhận hồ sơ thông báo lần đầu và thông qua hồ sơ đó.
Nhưng phải chăng đã tồn tại một “điểm gãy” đâu đó trong quy trình tiếp nhận, kiểm duyệt, thẩm định hồ sơ, dẫn tới việc để “sót” một nội dung quan trọng như vi phạm thuần phong mỹ tục trên chính slogan của quảng cáo mà vẫn được thông qua? Hoặc phải chăng không phải cán bộ văn hóa nào cũng có chung “lối suy luận” như trên, dẫn đến hiện tượng thiếu nhất quán trong việc đánh giá nội dung cũng như trong việc thực hiện pháp luật – “đơn vị này cho phép, đơn vị khác lại cấm”?
Nói về quảng cáo gây tranh cãi, trên thế giới không hề hiếm gặp. Đơn cử một vụ việc đình đám xảy ra năm 2015 tại Anh, biển quảng cáo cho sản phẩm bột protein của Công ty Protein World để hình ảnh một cô gái nhỏ nhắn mặc bikini cùng dòng slogan tạm dịch là “Bạn đã có “cơ thể chuẩn” để đi biển chưa?”.
Không lâu sau khi tấm biển quảng cáo xuất hiện tại một số ga tàu điện ngầm ở thành phố Luân Đôn, hơn 200 người dân đã đệ đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng rằng nội dung quảng cáo đã cổ súy cho lối suy nghĩ lệch lạc về một ngoại hình không thực tế và chế giễu những người béo.
Sự phản đối rầm rộ của người dân đã khiến quảng cáo này và tất cả những quảng cáo có hàm ý tương tự bị cấm kể từ đó; đồng thời dẫn đến sự hình thành các quy định luật pháp mới về quảng cáo tại Anh, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6/2019, nhằm loại trừ những quảng cáo có thông điệp phân biệt giới, phân biệt con người.
Từ đó cho thấy, không chỉ ngôn ngữ Việt Nam mà ngôn ngữ nói chung đều có nhiều tầng lớp nghĩa, tùy theo nhận thức, cách hiểu của từng người trong từng hoàn cảnh khác nhau. Thiết nghĩ, nếu không có tiêu chuẩn rõ ràng, những cuộc tranh cãi về ngữ nghĩa, ngôn từ sẽ không có hồi kết. Lo ngại rằng những vi phạm tương tự sẽ xảy ra nhưng trong hình thức, cách sử dụng ngôn từ khác nhau mà thôi.