Phiên xử vụ gian lận điểm thi ở Sơn La bị hoãn: Không nên để pháp luật bị coi thường
Kinhte&Xahoi
Đây quả là một thái độ coi thường pháp luật, bất chấp phiên tòa chuẩn bị mở ra với sự quan tâm của xã hội.
Phiên tòa xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La phải hoãn vì một lý do khó có thể chấp nhận: 91 người được triệu tập đến phiên tòa mà có tới 76 người vắng mặt. Đáng chú ý là trong số đó có những người giữ cương vị chủ chốt trong bộ máy Nhà nước tại địa phương như Phó Chủ tịch tỉnh hay Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo.
Đây quả là một thái độ coi thường pháp luật, bất chấp phiên tòa chuẩn bị mở ra với sự quan tâm của xã hội, không đếm xỉa đến việc tiếp cận công lý cũng như sự trừng phạt, răn đe của pháp luật.
Phiên tòa xử vụ gian lận thi cử ở Sơn La phải hoãn vì một số người triệu tập vắng mặt.
Lại phải tốn công sức và thời gian một lần nữa để tổ chức một phiên xét xử khác và cách triệu tập cũng phải khác đi bằng một biện pháp cứng rắn hơn trong khuôn khổ pháp luật cho phép là dẫn giải đến tòa. Như vậy, còn xấu hổ hơn nhiều so với việc tự giác đến theo giấy triệu tập.
Không tôn trọng pháp luật nên vi phạm pháp luật và phải dùng biện pháp mạnh mới biết tôn trọng pháp luật và khi đó thì đã muộn. Những người coi thường pháp luật có nghĩ đến bài học cay nghiệt này không?
Từ tư cách người có liên quan bị triệu tập mà không đến tòa, có thể người đó sẽ phải ra tòa với một tư cách hoàn toàn khác, bị áp giải đến tòa. Lúc đó nếu còn giữ thái độ coi thường pháp luật thì hẳn là hình phạt còn nặng hơn.
Đã không ít các phiên tòa bị hoãn bởi chính những người liên quan hay tham gia tố tụng tìm cách trì hoãn một cách hợp lệ. Đó cũng là một thái độ xem thường công sức và thời gian, phí tổn đi lại của người khác. Có nhiều trường hợp khi đã mở phiên tòa rồi mới có đơn xin hoãn hoặc xin vắng mặt vì những lý do nại ra như ốm đau, vào bệnh viện, thực chất đó là sự giả tạo.
Phiên tòa xét xử các bị cáo có hành vi gian lận nâng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH năm 2018 tại Sơn La thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Không chỉ quan tâm đến các thủ đoạn "chạy điểm" để vào các trường đại học tiếng tăm, nhận học bổng và một tương lai chắc chắn sau này mà còn là hướng tới sự nghiêm minh pháp luật và công bằng xã hội.
Đã có bao nhiêu sinh viên xứng đáng bị chiếm chỗ mà không thể đòi lại được cơ hội của mình, những người gây ra chuyện này phải bị xử lý một cách thích đáng bằng pháp luật.