Lập các điểm xét nghiệm nhanh để phát hiện sớm trường hợp dương tính được xem là một biện pháp hiệu quả để phòng chống dịch Covid-19
Việt Nam trì hoãn rất tốt tốc độ phát triển của dịch
Nếu như các nước trên thế giới mất từ 7-9 ngày để tăng mốc mắc Covid-19 từ 100 ca lên 1.000 ca, thì Việt Nam qua 7 ngày mới có thêm 71 ca mắc mới (tính từ khi chạm mốc 100 ca vào ngày 22-3). Con số này sau 9 ngày là 103 ca và sau 10 ngày là 122 ca, tổng số mắc đến hết ngày 2-4 là 227 ca. Như vậy, có thể thấy tốc độ gia tăng số ca mắc Covid-19 của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với tốc độ của thế giới, trong đó bao gồm cả những quốc gia có trình độ phát triển khoa học, kinh tế và hệ thống y tế tốt hơn chúng ra nhiều lần. Vào thời điểm đầu tháng 3-2020, số ca mắc Covid-19 của nước ta và Mỹ là tương đương nhau, tuy nhiên hiện tại thì Mỹ đang là quốc gia có số ca bệnh nhiều nhất thế giới.
Tính tới cuối giờ chiều ngày 3-2, Mỹ có hơn 215.000 ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 5.100 trường hợp tử vong. Số ca mắc Covid-19 của Mỹ nhiều gần gấp 2 Italia (quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 đứng thứ hai thế giới với hơn 110 nghìn ca) và vượt xa Trung Quốc vốn từng là nơi khởi phát và tâm dịch lớn nhất thế giới với hơn 81.000 người mắc và hơn 3.300 người tử vong. Không chỉ là quốc gia đầu tiên trên thế giới vượt mốc 100.000 rồi 200.000 ca, mà tốc độ gia tăng bệnh nhân của Mỹ rất đáng báo động với trên 20.000 ca/ngày.
Châu Âu hiện không chỉ là ổ dịch lớn nhất thế giới mà còn tiềm ẩn những nguy cơ rất nghiêm trọng do chưa có dấu hiệu kiểm soát được dịch bệnh khi số người tử vong gia tăng liên tục. Ngoài Italia và Tây Ban Nha hiện đều có số ca mắc Covid-19 vượt mốc 100.000, tính tới cuối giờ chiều ngày 2-4, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng có tốc độ gia tăng số ca mắc mới rất đáng lo ngại như Đức (gần 80.000 trường hợp), Pháp (hơn 57.000 trường hợp), Anh (gần 30.000 trường hợp) và nhiều quốc gia khác có trên 10.000 trường hợp.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, Nhật Bản đang có tín hiệu tốt khi số ca mắc Covid-19 từ mốc 100 ca lên 1.000 ca mất khoảng 28 ngày. Tuy nhiên, dù hạn chế tốc độ gia tăng của các ca mắc mới, song Nhật Bản tính tới cuối ngày 2-4 cũng đã có gần 2.400 ca.
Toàn dân đồng lòng “chiến đấu”
Chính nhờ Việt Nam có chiến lược phù hợp và làm tốt ngay từ giai đoạn đầu nên đã trì hoãn được thời gian dịch Covid-19 lây ra cộng đồng, tốc độ tăng số ca mắc mới chậm hơn. Việt Nam là một trong số ít quốc gia sớm công bố dịch khi mới chỉ có vài ca nhiễm bệnh, đi cùng với với đó là những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt với tinh thần được Thủ tướng Chính phủ khẳng định ngay từ đầu là: “Chống dịch như chống giặc”.
Tính tới nay, Việt Nam đã bước sang giai đoạn 3 của cuộc chiến chống “giặc” Covid-19. Trong đó, giai đoạn 1 là khi có 16 người mắc bệnh đầu tiên và 3 tuần sau đó không có ca nhiễm mới. Tất cả 16 ca đều được điều trị thành công và ra viện. Giai đoạn 2 tính từ khi có ca bệnh số 17 cũng như nhiều ca bệnh khác từ nước ngoài về, thậm chí có những ca bệnh lây lan trong cộng đồng khiến số người bị mắc Covid-19 lên hơn 200 trường hợp. Hiện nay, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng và có dưới 1.000 ca mắc, nguy cơ lây lan rộng rất cao.
Với mỗi giai đoạn của cuộc chiến phòng chống dịch bệnh, chúng ta đều có những biện pháp quyết liệt với mục tiêu kiểm soát, khống chế, không để dịch bùng phát lây lan diện rộng. Xuyên suốt từ giai đoạn 1 tới giai đoạn 3 hiện nay, cả hệ thống chính trị nước ta đã chủ động vào cuộc với sự tham gia của toàn dân nhằm chung sức đồng lòng “quyết chiến” với “giặc” Covid-19 để thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn và sức khỏe của nhân dân.
Trong giai đoạn 3 hiện nay, những biện pháp phòng chống dịch tại nước ta được nâng cấp lên một cấp độ cao hơn trước. Thủ tướng Chính phủ sau khi công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc (từ 1-4-2020) cũng đã ra Chỉ thị 16 quyết định “cách ly toàn xã hội” tới ngày 15-4 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất. Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng…
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội cũng đã ngay lập tức triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ để phòng chống dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng, dập từng “đốm lửa” dịch. Thành phố đã triển khai xét nghiệm nhanh nhằm phát hiện các ca nghi dương tính để kịp thời có biện pháp phòng chống. Thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, CATP Hà Nội cũng đã lập 30 chốt giám sát, cách ly xã hội tại các điểm nút giao thông là cửa ngõ ra vào Thủ đô.
Những biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của nước ta được nhân dân cả nước đồng tình, chấp hành nghiêm chỉnh và đồng lòng, chung sức trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Việt Nam là một hình mẫu hiệu quả trong chống dịch Covid-19 và là quốc gia có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ cao nhất thế giới.