Phường Cổ Nhuế 2: Ai 'bật đèn xanh' cho đất công đang bị lấn chiếm?
Kinhte&Xahoi
Bạn đọc phản ánh, hàng ngàn mét vuông đất công nằm đối diện UBDN phường Cổ Nhuế - Bắc Từ Liêm đang được giao cho HTX Nghề May khai thác kinh doanh không đúng mục đích
Được biết, khu đất này được quy hoạch làm sân thể thao, văn hóa phục vụ nhân dân.
Qua ý kiến của độc giả, chúng tôi đã mục sở thị trên khu đất công sau UBND phường Cổ Nhuế 2 rộng tới hàng ngàn m2 này. Đây là một khu đất rộng, có vị trí đắc địa của phường, giao thông thuận lợi, cư dân đông đúc thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh. Chủ đầu tư đã biến khu đất công trên thành tụ điểm trông giữ xe ô tô và sân bóng.
UBND phường Cổ Nhuế 2 giao đất cho HTX Nghề May quản lý khai thác kinh doanh có đúng với các quy định của pháp luật?
Theo quan sát thì tất cả bốn phía xung quanh sân được xây dựng nhà khung tôn, lợp mái có sức chứa cả trăm xe ô tô. Không chỉ có sân bóng được chủ đầu tư tu sửa, nâng cấp thành sân cỏ nhân tạo, chia nhỏ phần diện tích hàng nghìn m2 trên thành nhiều sân bóng mini kinh doanh thu tiền siêu lợi nhuận, những bãi xe không phép trong khuôn viên cũng mang về những khoản thu vô cùng lớn.
Mức giá thuê được quảng cáo trên các trang mạng trung bình 300 – 800 nghìn đồng cho 1 giờ đồng hồ tùy thuộc vào giờ cao điểm. Buổi sáng bắt đầu từ 6h và chiều từ 16h – 21h lúc nào cũng tấp nập người chơi, từ học sinh sinh viên các trường đại học, đến các cơ quan đoàn thể có nhu cầu… Mỗi một xe ô tô gửi vé tháng cũng có giá 900 nghìn đến 1,2 triệu tùy theo giá trị của xe và vị trí.
Bác Nguyễn Thị M. nhà gần đó cho biết: "Nhiều khi muốn đi tập thể dục quanh sân cũng khó bởi vì buổi tối người già đi bộ thì xe ô tô để kín sân, nếu muốn hoạt động nhóm như khiêu vũ hay tập dưỡng sinh thì người già chúng tôi lấy đâu ra khoảng trống rộng để tập. Mà hơn nữa các cháu có chơi bóng thì cũng phải mất phí mới được chơi. Chúng tôi chẳng biết tiền thu sẽ sử dụng vào mục đích gì, chứ như thế này thì nhân dân là người thiệt thòi đầu tiên chú à. Nhiều lần họp hành cũng có ý kiến cử tri nhưng xem ra đâu vẫn hoàn đó thôi".
Đúng là lời nói của bác H rất có lý. Muốn vào sân bóng thì phải mất tiền không thể tự do vào được. Khoảng trống xung quanh sân bóng được xây làm lán để xe, cho cá nhân gửi qua đêm. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến mặt bằng sinh hoạt chung của cư dân.
Trước những ý kiến của nhân dân, chúng tôi cũng có buổi trao đổi với ông Quang – Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 và được ông cho biết: Đó là khu đất công của phường, UBND phường giao cho HTX Nghề May quản lý, khai thác và sử dụng. Sân bóng được xây dựng trước khi mình làm Chủ tịch. Về nội dung các bạn vừa thông tin, mình sẽ cho anh em kiểm tra lại và trả lời báo sau. Cũng theo ý kiến của nhân dân, khi thực hiện việc xã hội hóa sân bóng, UBND phường không lấy ý kiến của nhân dân, chưa họp dân đã triển khai thực hiện. Chủ đầu tư không dành thời gian phù hợp cho nhân dân được vui chơi, thể dục trên sân bóng?
Câu chuyện xã hội hóa đang lúc tranh tối tranh sáng, nếu làm không công khai minh bạch, không dân chủ người được hưởng lợi nhiều nhất là chủ đầu tư. Nhân dân sẽ mất đi quyền làm chủ còn ngân sách Nhà nước thì sẽ thất thu? Nhiều ý kiến cho rằng hàng ngàn m2 đất công ở vị trí đắc địa trên, cách trụ sở UBND không xa được hợp thức theo hình thức như thế nào? Quyền lợi của Nhà nước và nhân dân ra sao, cần được công khai minh bạch?
Nếu chủ đầu tư làm không tốt sẽ cho tổ chức đấu thầu hàng năm, thời gian bố trí khai thác hợp lý và dành thời gian cụ thể cho nhân dân sinh hoạt cộng đồng trên đó, nếu làm được như vậy mới phát triển hài hòa và mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống văn hóa cộng đồng dân cư.
Dư luận đặt câu hỏi, ai chống lưng “bật đèn xanh” cho chủ đầu tư hay chủ đầu tư là sân sau của nhóm lợi ích nào chăng mà khi thực hiện dự án không họp bàn, lấy ý kiến khu dân cư? Đất công giao cho tổ chức, cá nhân, khai thác kinh doanh, kiếm tiền liệu có đúng với các quy định của pháp luật?
Chúng tôi sẽ tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.
Theo GĐ&PL