PVN đề xuất dừng nhập khẩu xăng dầu để “cứu" 2 nhà máy trong nước
Kinhte&Xahoi
Lượng tồn kho tại 2 nhà máy lọc dầu trong nước tăng cao, do vậy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đề nghị dừng nhập khẩu xăng dầu.
Trong quý I/2020, giá dầu thô và xăng dầu biến động giảm liên tiếp, gây áp lực rất lớn cho cả đơn vị sản xuất và đơn vị phân phối.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính một số giải pháp để gỡ khó cho nhà máy lọc dầu trong nước.
Cụ thể, PVN đề nghị xem xét ban hành việc ngừng nhập khẩu xăng dầu để giảm tình trạng tồn kho tại nhà máy lọc dầu Dung Quất và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Ngoài ra, PVN cũng đề nghị xem xét bỏ các sản phẩm chế biến từ dầu thô ra khỏi nhóm hàng chịu thuế giá trị gia tăng khi xuất khẩu.
Trong quý I/2020, giá dầu thô và xăng dầu biến động giảm liên tiếp, gây áp lực rất lớn cho cả đơn vị sản xuất và đơn vị phân phối. Đồng thời việc bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Theo doanh nghiệp này, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong cả nước quý I/2020 ước giảm khoảng 30% và dự kiến còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ngoài ra, việc các đầu mối xăng, dầu ngừng nhập hàng dẫn đến dư lượng tồn kho xăng của các nhà máy thuộc PVN lên đến 90%.
Các nhà máy lọc dầu đang chịu áp lực đầu vào giảm giá hàng tồn kho, đầu ra khi khách hàng huỷ, giãn nhận hàng do nhu cầu sụt giảm.
Trước đó, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết đang xem xét tới phương án dừng vận hành nhà máy một thời gian.
Nguyên nhân là do giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm sâu, tình hình dịch bệnh khiến nhu cầu vận tải giảm mạnh, kéo theo tiêu thụ xăng dầu thấp, giảm 30-40% so với cùng kỳ các năm. Dự báo cầu xăng dầu trong nước tiếp tục giảm khi thực hiện cách ly xã hội từ 1/4.
Trong báo cáo vừa được gửi Thủ tướng, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đề cập chi tiết đến những khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu trước tác động của Covid-19.
Theo đó, Uỷ ban cho rằng PVN hay Petrolimex là những doanh nghiệp chịu tác động kép do tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, đồng thời chịu tác động từ việc giá dầu giảm sâu.
Theo số liệu tài chính hợp nhất của Tập đoàn, trong quý I/2020, tổng doanh thu ước đạt 88.300 tỷ đồng; giảm 13.194 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.440 tỷ đồng; giảm 4.580 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tình hình cũng không mấy sáng sủa khi “ông lớn" này cũng phải chịu những tác động vô cùng lớn từ đại dịch Covid-19 cùng mức giá dầu giảm sâu nhất trong vòng 10 năm nay.
Trong quý I/2020, tổng doanh thu Petrolimex ước đạt 28.449 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, ước lỗ 572 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu sẽ giảm 12.517 tỷ đồng, ước suy giảm 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020. Nộp ngân sách nhà nước dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 nếu dịch kéo dài đến quý 4.